Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Một số giải pháp thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ là một trong những giải pháp góp phần phòng ngừa tình trạng cán bộ, công chức, viên chức công tác tại một vị trí, một bộ phận quá lâu dẫn đến việc nắm bắt được những sơ hở về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực mình công tác, quản lý để lợi dụng thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã tuyên truyền và chỉ đạo triển khai thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Theo số liệu thống kê từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi được 562 lượt công chức, viên chức (bao gồm công chức cấp xã) công tác tại vị trí trong các lĩnh vực, ngành, nghề phải định kỳ chuyển đổi theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện cơ bản đúng đối tượng, đúng nguyên tắc quy định, không lợi dụng chuyển đổi vị trí công tác để bè phái, chủ nghĩa cá nhân, gây mất đoàn kết trong nội bộ cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, nhằm khắc phục tình trạng công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương thuộc các cơ quan, đơn vị được giao phụ trách hoặc trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thuộc danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi đã đảm nhiệm một vị trí công tác quá lâu từ 02 đến 3 nhiệm kỳ liên tục, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Đề án số 09-ĐA/TU ngày 13/9/2018 về chuyển đổi vị trí công tác đối với lãnh đạo quản lý cấp phòng và tương đương. Theo đó, đối tượng chuyển đổi vị trí công tác là lãnh đạo cấp phòng và tương đương thuộc các cơ quan, đơn vị giữ vị trí công tác thuộc lĩnh vực, ngành, nghề phải định kỳ chuyển đổi quy định tại Điều 8 Nghị định 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ có thời gian đảm nhận chức vụ đã được 02 nhiệm kỳ (hoặc 8 năm) tính từ thời điểm nhổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng Kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như:

Thứ nhất, việc thực hiện chuyển đổi đối với công chức cấp xã, phường, thị trấn như: Tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường… gặp khó khăn do số người phải chuyển đổi rất ít, có khi chỉ có một vị trí nên bắt buộc phải thực hiện chuyển đổi từ xã này sang xã khác gây khó khăn cho công chức vì đặc thù địa bàn miền núi vị trí các xã nằm xa nhau, đi lại khó khăn, mỗi nơi có phong tục, tập quán riêng, công chức từ xã khác đến rất khó nắm bắt tình hình, đặc điểm về dân cư, địa lý dẫn đến khó khăn trong tiếp cận công việc. Đặc biệt, công chức địa chính cấp xã đang nắm bắt địa bàn do chuyển sang xã khác nên cần phải có thời gian nghiên cứu, tích lũy, nắm bắt địa bàn mới, nắm bắt hồ sơ địa chính… việc xác nhận hoặc giải quyết tranh chấp đất đai ở địa bàn mới gặp khó khăn do không nắm được lịch sử, nguồn gốc…

Thứ hai, về chính sách: Hiện nay chưa có chính sách khuyến khích, động viên công chức, viên chức chuyển đổi vị trí công tác như nhà ở công vụ, nâng lương trước thời hạn, phụ cấp đi lại, chính sách “hậu” chuyển đổi…

Thứ ba, về trình độ: Việc thực hiện chuyển đổi vị trí đối với một số lĩnh vực ngành nghề yêu cầu tính chuyên sâu, trình độ cao gặp khó khăn trong việc lựa chọn vị trí phù hợp để chuyển đổi hoặc cơ quan, đơn vị phải mất nguồn lực, thời gian để đào tạo công chức, viên chức nên ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc;

Thứ tư, về tổ chức thực hiện: Một số cơ quan, đơn vị thực hiện chuyển đổi chưa nghiêm túc, mang tính đối phó…

Từ những kết quả đạt được và một số tồn tại hạn chế như trên, trong thời gian tới để thực hiện chuyển đổi vị trí công tác tốt hơn nữa, thiết nghĩ tỉnh cần thực hiện tốt một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Nghị định số 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Đề án số 09-ĐA/TU của Tỉnh ủy. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền về mục đích của thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, sắp xếp bố trí công chức viên chức phù hợp với vị trí việc làm đã được phê duyệt để xác định được danh mục vị trí định kỳ phải chuyển đổi, danh sách công chức, viên chức phải thực hiện chuyển đổi, tiếp tục quán triệt việc chấp hành tuân thủ các nguyên tắc trong thực hiện chuyển đổi vị trí công tác bảo đảm đúng đối tượng

Thứ hai, đổi mới phương thức thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, gắn chuyển đổi vị trí công tác với công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức. Công chức, viên chức thuộc diện chuyển đổi vị trí công tác ngoài việc có cơ hội tiếp xúc với công việc mới, địa bàn mới cũng là điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng giúp cho công chức, viên chức trưởng thành hơn, rèn luyện bản lĩnh, nâng cao năng lực nghiệp vụ công tác.

Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị để việc thực hiện không bị lợi dụng, gây xáo trộn nội bộ, gây tâm lý hoang mang trong cán bộ.

Thứ tư, tham mưu, đề xuất Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương ban hành chính sách đãi ngộ đối với một số nhóm đối tượng đặc thù phải chuyển đổi vị trí công tác. Đối với những nhóm đối tượng đang công tác tại vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì việc chuyển đổi vị trí công tác sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ, nếu không có chính sách đãi ngộ phù hợp sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và công tác của cán bộ. Vì vậy, cần thiết có các chính sách như: nhà ở công vụ, phụ cấp đi lại, nâng bậc lương trước thời hạn… Bên cạnh chính sách hỗ trợ về vật chất, cần có chính sách về công tác cán bộ, đó là cam kết nhận lại đơn vị cũ khi hết thời hạn chuyển đổi; được ưu tiên cử đi học tập nâng cao trình độ; có kế hoạch bồi dưỡng phát triển những cán bộ có triển vọng sau khi thực hiện chuyển đổi; không chuyển đổi vị trí công tác đối với những trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn… nhằm tạo sự yên tâm công tác cho những đối tượng thuộc diện chuyển đổi vị trí công tác.  

Triển khai thực hiện tốt chuyển đổi vị trí công tác không chỉ góp phần chủ động phòng ngừa tham nhũng mà còn là một trong những giải pháp tích cực tạo ra môi trường đào tạo, bồi dưỡng để công chức, viên chức nâng cao năng lực, trình độ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của công chức trong cả hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tác giả:  Nguyễn Thảo
Nguồn: