Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xây dựng chính quyền cấp xã dưới góc độ đội ngũ những người làm việc

Xã, phường, thị trấn là cấp đơn vị hành chính cơ sở, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với nhân dân. Đội ngũ những người làm việc ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) là cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách. Chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước được thực hiện thế nào ở cấp xã, chính quyền cấp xã có thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ hay không, sự phục vụ của chính quyền cấp xã đến đâu... đều do hoạt động của đội ngũ này quyết định. Trong thời gian qua, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở theo hướng tinh gọn, chất lượng. Tuy nhiên, từ Pháp lệnh Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung năm 2003 đến nay, số lượng những người làm việc ở cấp xã hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách nhà nước đã tăng lên nhiều, chưa bảo đảm yêu cầu tinh gọn, chất lượng. Cụ thể, tính từ năm 2002 đến 2015, cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã tăng 264,35%; nhiều hơn khoảng 3 lần số lượng cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên, đã làm tăng thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã vẫn còn những hạn chế, bất cập. Do đó, cần phải có những biện pháp mang tính đồng bộ để sắp xếp, bố trí lại đội ngũ những người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách ở cấp xã trong điều kiện hiện nay.

  

Cán bộ, công chức xã Minh Hạc, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ kiểm tra dữ liệu công tác quản lý hành chính ở cơ sở

1. Quá trình hình thành đội ngũ những người làm việc ở cấp xã

Từ năm 2003 trở về trước, những người làm việc ở xã đều gọi chung là cán bộ, bao gồm cán bộ được bầu cử theo nhiệm kỳ và cán bộ, nhân viên chuyên môn nghiệp vụ hoạt động tại xã, phường, vừa công tác vừa tham gia lao động sản xuất. Trong giai đoạn này, cán bộ ở cấp xã không thực hiện tuyển dụng, cho thôi việc, điều động theo như quy định đối với cán bộ, công nhân viên chức nhà nước và họ được hưởng phụ cấp sinh hoạt phí hàng tháng nếu được giao nhiệm vụ. Nguồn kinh phí trả cho cán bộ cấp xã giai đoạn này chủ yếu là từ ngân sách của xã, phường, thị trấn; cán bộ của đoàn thể quần chúng do quỹ của các đoàn thể quần chúng đài thọ. Chính phủ đã chỉ đạo và yêu cầu bộ máy tổ chức cán bộ cấp xã phải gọn nhẹ, tinh giản, thực hiện tốt nhiệm vụ và phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách xã. Giai đoạn này, số lượng cán bộ được hưởng phụ cấp sinh hoạt phí (gồm cán bộ chuyên trách và cán bộ nửa chuyên trách - sau này gọi là không chuyên trách) được xác định căn cứ vào phân hạng xã, phường, thị trấn. Tổng số cán bộ chuyên trách và nửa chuyên trách ở xã bình quân là 23 người/xã (hiện nay, bình quân cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở xã là 46 người/xã - gấp hơn hai lần giai đoạn trước). Trong thời kỳ này, một số chức danh sau đó được quy định là cán bộ cấp xã như Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội trưởng Hội liên hiệp phụ nữ, những người làm công tác thống kê, kế hoạch, lao động, giao thông thủy lợi, văn hóa thông tin, thương binh xã hội, tư pháp, đất đai, … đều thuộc cán bộ “nửa chuyên trách”.

Năm 2003, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, Nhà nước đã sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Cán bộ, công chức. Theo đó, một số chức danh làm việc ở cấp xã (gồm cả chuyên trách và một số nửa chuyên trách) đã được xác định là cán bộ, công chức, nhưng vẫn có sự phân định với cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên và có cơ chế quản lý riêng do Chính phủ quy định, gọi chung là cán bộ, công chức cấp xã. Năm 2008, Luật cán bộ, công chức được ban hành; tuy nhiên, do những đặc thù riêng trong hoạt động của cán bộ, công chức cấp xã nên Chính phủ vẫn được giao quy định chi tiết về số lượng, chức danh và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, có phân cấp một số nội dung quản lý đội ngũ này cho chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, số lượng, chức danh, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố được quy định ở các văn bản pháp luật khác nhau liên quan đến các lĩnh vực bảo hiểm xã hội; dân quân, tự vệ; thú y; công an xã;... Cho đến nay, cán bộ cấp xã có 11 chức danh; công chức cấp xã có 7 chức danh; nếu kiêm nhiệm thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm. Theo thống kê, số lượng cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, làng, khóm, ấp, buôn, sóc, tổ dân phố... trong cả nước tính đến ngày 31/12/2015 là 1.156.594 người. Trong đó, cán bộ, công chức cấp xã có 234.061 người, bình quân 21 người/xã (cán bộ cấp xã có 116.043 người, công chức cấp xã có 118.018 người). Qua điều tra, từ năm 2002 đến 2015, số lượng cán bộ, công chức cấp xã đã tăng từ 151.383 người lên 234.061 người, tăng 82.678 người (54,62%).

Về đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, làng, khóm, ấp, buôn, sóc, tổ dân phố (gọi tắt là thôn, tổ dân phố), từ năm 2002 đến 2015, cả nước từ 286.139 người lên 922.533 người; tăng 636.394 người (222,41%). Trong đó, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là 229.592 người (bình quân 20,57 người/xã); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là 692.941 người (bình quân 5,06 người/thôn, tổ dân phố). Nếu với mức lương cơ sở là 1.210.000đ/tháng (trước ngày 01/7/2017) thì tổng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trong cả nước khoảng trên 32 nghìn tỷ đồng/năm. Trong đó, cán bộ, công chức cấp xã thực hiện chế độ tiền lương gắn với chức danh và theo trình độ đào tạo như cán bộ, công chức. Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, Chính phủ đã phân cấp cho địa phương chủ động quy định về số lượng, chức danh, mức phụ cấp và khoán kinh phí hoạt động cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương, gắn với phân loại thôn, tổ dân phố. Các chế độ khác như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phụ cấp đặc thù… cũng được thực hiện đối với đội ngũ này. Lấy tiêu chí người hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước và mốc năm 2015 để so sánh có thể thấy:

- Cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố bằng 291,75% cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên.

- Cán bộ, công chức cấp xã bằng 59,04% cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên.

- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố bằng 232,71% cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên.

Trước đây, những người làm việc ở cấp xã được xác định là vừa công tác, vừa tham gia lao động sản xuất. Những người này chỉ dành một phần thời gian để công tác, họ vẫn lao động, sản xuất nông, ngư nghiệp (ở đô thị thì sản xuất kinh doanh, dịch vụ). Do đó, đã hạn chế số lượng chuyên trách, chỉ khoảng 7 đến 8 người. Từ năm 2003 đã xác định rõ xã, phường, thị trấn là một đơn vị hành chính, một cấp trong bộ máy hành chính nhà nước, do đó cần thiết phải có đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp. Vì vậy, một số chức danh làm việc ở cấp xã được quy định là cán bộ, công chức với cơ chế quản lý phù hợp với đặc thù của xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố tăng lên nhanh chóng và do thực hiện phân cấp cho HĐND quyết định chức danh, số lượng và chế độ, chính sách đối với các đối tượng này. Tuy nhiên, do việc quản lý chưa chặt chẽ nên đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách đến nay là tương đối lớn. Số lượng trung bình ở mỗi đơn vị hành chính cấp xã hiện nay có 21 cán bộ, công chức, 20 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, 5 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; bình quân là 46 người/xã (là những người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước). So với giai đoạn trước năm 2003, số người làm việc (kể cả chuyên trách và không chuyên trách) ở cấp xã đến nay đã tăng gấp hai lần. Với số lượng 11.162 đơn vị hành chính cấp xã ở thời điểm năm 2015 thì số người hoạt động chuyên trách và không chuyên trách tăng gấp hai lần so với năm 2003. Vấn đề đang đặt ra hiện nay là phải tinh gọn bộ máy để nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cấp xã, bảo đảm tính tự quản, tự quyết của các tổ chức cộng đồng thuộc phạm vi cấp xã quản lý và giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước.

2. Những vấn đề đặt ra trong quản lý cán bộ, công chức cấp xã

Thứ nhất, về thể chế. Có thể thấy hệ thống các văn bản pháp luật về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Nhiều nội dung liên quan đến đội ngũ này được quy định ở các văn bản pháp luật khác nhau, nên không bảo đảm tính thống nhất và sự tương quan giữa các ngành, lĩnh vực. Ví dụ số lượng, chức danh, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã chưa được quy định thống nhất ở một văn bản, còn phân tán ở nhiều văn bản không thuộc chuyên ngành tổ chức nhà nước. Hiện nay có tới 4 Luật, 1 Pháp lệnh, 8 Nghị định, 7 Thông tư đang quy định vấn đề này.

Thứ hai, về chức danh, số lượng. So với các quy định trước đây, số lượng cán bộ, công chức cấp xã hiện nay đã tăng lên. Mặc dù được quy định theo phân loại các đơn vị hành chính cấp xã, nhưng số lượng cán bộ, công chức chưa tính đến những điểm khác biệt giữa đô thị với nông thôn, biên giới, hải đảo để xác định cho phù hợp. Việc phân cấp cho các địa phương tự quyết định số lượng người theo từng chức danh không chuyên trách nhưng Trung ương không có giải pháp khống chế tối đa số lượng người và tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm là một trong những nguyên nhân làm tăng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố. Bên cạnh đó, việc giao HĐND cấp tỉnh quyết định chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố đã làm ảnh hưởng đến tính thống nhất và tính hiệu quả của quản lý nhà nước về cán bộ, công chức trong phạm vi cả nước, dẫn đến tình trạng cùng là đơn vị hành chính cấp xã hoặc cùng loại hình tổ chức thôn, tổ dân phố nhưng ở các địa phương có quy định khác nhau về số lượng chức danh. Ví dụ: tỉnh Quảng Ninh đơn vị hành chính cấp xã loại I không quá 14, loại II không quá 12, loại III không quá 11 người; tỉnh Hà Tĩnh xã loại I không quá 17, loại II không quá 15, loại III không quá 14 người.

Thứ ba, về chất lượng. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã còn nhiều bất cập về phẩm chất, trình độ và năng lực, số chưa đạt chuẩn còn cao đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở. Số lượng đội ngũ tăng lên nhanh chóng trong 13 năm qua, nhưng so với yêu cầu của giai đoạn hiện nay, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã còn nhiều bất cập, cụ thể là: còn 12,14% chưa đạt trình độ trung học; 13,11% sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ; 21,76% chưa qua bồi dưỡng lý luận chính trị; 56,58% chưa qua bồi dưỡng quản lý nhà nước; 78,32 chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về tin học.

Thứ tư, về nguồn chi trả và cơ chế khoán phụ cấp. Thôn, làng, bản, ấp, buôn, phum, sóc, khóm, khu phố, tổ dân phố... là các hình thức tổ chức mang tính tự quản của cộng đồng dân cư, hoạt động gắn với các hương ước, quy ước; các hoạt động ở thôn, tổ dân phố chỉ là những hoạt động được thực hiện bởi cộng đồng dân cư, mang tính tự nguyện, tự quản, không phải hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước. Nhưng phụ cấp giải quyết đối với đội ngũ này lại được chi trả từ ngân sách nhà nước, mà lẽ ra vấn đề bồi dưỡng, thù lao phải được thực hiện từ các quỹ do cộng đồng dân cư đóng góp.

Cơ chế khoán phụ cấp hiện nay đang tạo ra sự chênh lệch lớn về mức phụ cấp đối với từng chức danh không chuyên trách giữa các địa phương có mức độ phát triển kinh tế khác nhau. Ví dụ: đối với chức danh Bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố (tính theo mức lương cơ sở): Hà Nội 1,0; Bạc Liêu 0,8; Đà Nẵng 0,6; Ninh Thuận 0,5;… Việc khoán phụ cấp như hiện nay chưa phân biệt được tính đặc thù, mức độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương khác nhau (đô thị, nông thôn, hải đảo, miền núi, vùng xa,...), dẫn đến tình trạng bình quân hóa, cào bằng trong thực hiện chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

Thứ năm, về chế độ làm việc. Chưa quy định rõ các nhiệm vụ và chế độ làm việc của người hoạt động không chuyên trách (chỉ làm việc một phần thời gian) ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố. Cụm từ “một phần thời gian” của người làm việc không chuyên trách không rõ là bao nhiêu thời gian trong một ngày, một tuần, một tháng (chưa được giải thích ở văn bản nào). Từ đó dẫn tới tình trạng đùn đẩy khi có công việc hoặc so bì chế độ, chính sách giữa các chức danh chuyên trách và không chuyên trách. Chính sách đối với việc kiêm nhiệm các chức danh còn thấp (20%) nên chưa khuyến khích cán bộ, công chức nhận kiêm nhiệm để giảm số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách.

Những vấn đề nêu trên có nguyên nhân chính sau:

- Quan điểm, nhận thức về tính chất và đặc điểm công việc của cán bộ, công chức cấp xã với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố chưa rõ ràng, chưa phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động.  

- Việc thực hiện “công chức hóa” mạnh mẽ ở cấp xã cùng với tình trạng “hành chính hóa” các hoạt động của thôn, tổ dân phố với diện quá rộng và thực hiện phân cấp nhưng thiếu kiểm tra, giám sát đã dẫn đến số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách tăng nhanh.

- Chưa phân biệt rõ ràng về chế độ làm việc, nhiệm vụ và trách nhiệm giữa cán bộ, công chức cấp xã với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; giữa cán bộ, công chức ở cấp xã với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

- Phân cấp giữa Trung ương và địa phương trong việc quyết định số lượng, chức danh và chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố có điểm chưa đáp ứng yêu cầu của phân cấp là: vừa bảo đảm thống nhất quản lý trong phạm vi cả nước, vừa phát huy tính chủ động của địa phương.

- Việc chia, tách các đơn vị hành chính cấp xã, chia tách thôn, tổ dân phố trong thời gian qua chưa được quản lý chặt chẽ đã làm cho số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố tăng lên tương ứng với việc tăng số đơn vị hành chính.

3. Một số vấn đề đặt ra nhằm tinh gọn, nâng cao chất lượng đội ngũ làm việc ở cấp xã

Một là, nghiên cứu sửa đổi các quy định pháp luật để hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã. Quy định rõ mối quan hệ giữa chính quyền cấp xã với tổ chức cộng đồng dân cư. Sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, điều kiện thành lập thôn, tổ dân phố để quản lý chặt chẽ việc thành lập mới thôn, tổ dân phố. Các thôn, tổ dân phố không đạt tiêu chí, điều kiện quy định thì thực hiện hợp nhất nhằm giảm mạnh số lượng thôn, tổ dân phố so với hiện nay.

Hai là, thống nhất nhận thức và quy định rõ trong pháp luật các hoạt động ở thôn, tổ dân phố là hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là một cấp hành chính, cho nên không thể hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước. Đối với những nhiệm vụ do chính quyền cấp xã yêu cầu thì phải gắn với kinh phí phục vụ tương ứng để trả thù lao cho những người thực hiện ở thôn, tổ dân phố. Ở thôn, tổ dân phố thực hiện việc Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố.

Ba là, nghiên cứu quy định lại các chức danh cán bộ cấp xã theo hướng giảm bớt và xác định các vị trí việc làm để bố trí công chức theo các chức danh cụ thể gắn với các nhiệm vụ của chính quyền cấp xã, phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo. Chuyển 02 chức danh Chỉ huy trưởng quân sự và Trưởng công an xã trực thuộc lực lượng vũ trang chính quy ở cấp huyện.

Bốn là, thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND; phó bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã kiêm nhiệm một trong các chức danh: phó chủ tịch HĐND, các trưởng ban của HĐND cấp xã,... Quy định việc kiêm nhiệm các chức danh hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như: trưởng ban tổ chức, trưởng ban tuyên giáo, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra và phó các tổ chức chính trị - xã hội.

Năm là, tiếp tục quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính. Cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật cán bộ, công chức để không phân biệt công chức cấp xã với công chức từ cấp huyện trở lên. Số lượng biên chế công chức được quy định trên cơ sở xác định vị trí việc làm trong các cơ quan nhà nước từ cấp xã trở lên và biên chế công chức ở cấp xã đưa về thuộc biên chế của công chức cấp huyện để UBND cấp huyện quản lý, sử dụng, phân công và luân chuyển về làm việc ở các xã. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương thức tuyển dụng công chức để lựa chọn được những người đủ phẩm chất, năng lực bố trí về làm việc ở cấp xã và 3 năm một lần thực hiện luân chuyển, định kỳ chuyển đổi giữa các xã với nhau.

Chính phủ cần quy định mức trần về số lượng các chức danh cán bộ, công chức và số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Trên cơ sở đó, phân cấp cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định số lượng cán bộ cấp xã và số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã phù hợp với tình hình cụ thể của từng đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn.

Sáu là, cán bộ cấp xã hoạt động theo nhiệm kỳ, được hưởng chế độ theo quy định; hết nhiệm kỳ nếu không ứng cử và không tái cử, nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì được xem xét để tuyển dụng vào công chức theo quy định, nếu không sẽ được nghỉ công tác, hưởng chế độ trợ cấp một lần và đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bảy là, chỉ thực hiện chế độ phụ cấp hàng tháng đối với 02 chức danh ở thôn, tổ dân phố cộng với phụ cấp kiêm nhiệm (nếu có) trong 2 năm; nghiên cứu bỏ khái niệm gọi đó là các chức danh không chuyên trách của thôn, tổ dân phố, mà thực hiện theo cơ chế tự quản của cộng đồng dân cư. Tăng phụ cấp kiêm nhiệm từ mức 20% hiện nay lên mức 50% đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố để khuyến khích việc kiêm nhiệm các chức danh./.

TS. Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Tài liệu tham khảo:

1. Hiến pháp năm 2013.

2. Luật Cán bộ, công chức năm 2008.

3. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

4. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn.

5. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

6. Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XI về “Một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”.

7. Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XI về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”.

8. Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị “về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.

9. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.

10. Hệ thống các văn bản pháp luật về chính quyền cấp xã (1946 - 1999), Viện nghiên cứu Khoa học tổ chức nhà nước, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (tháng 3/2000).

Tác giả: 
Nguồn:  tcnn.vn