Tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức trong giải quyết các thủ tục hành chính: Ghi tại huyện Ba Bể
Là một trong 2 huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn, thời gian qua, huyện Ba Bể đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức trong giải quyết các thủ tục hành chính, từng bước tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác này.
Là huyện miền núi, giao thông đi lại khó khăn, nhiều thôn bản vùng cao với phần đa là đồng bào dân tộc thiểu số, trước đây, việc giải quyết TTHC thường khá rườm rà, cá nhân/tổ chức khi đến giao dịch không chỉ là chờ đợi mà còn phải đi đi về về đôi ba lượt mới xong. Nhưng mấy năm trở lại đây, việc giao dịch thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức trên địa bàn đã thuận hơn rất nhiều, thường ít phải chờ đợi, lại được cán bộ hướng dẫn tận tình, chu đáo.
Để tạo thuận tiện cho bà con trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cấp ủy, chính quyền huyện Ba Bể luôn xác định CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai. Với sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại của huyện đã sớm hình thành và đưa vào hoạt động hiệu quả, được trang bị các thiết bị hiện đại và áp dụng đồng bộ hệ thống phần mềm một cửa điện tử, kết nối liên thông với cấp tỉnh, cấp xã trong hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC cho cá nhân, tổ chức trên tất cả các lĩnh vực.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Bể, 16/16 xã, thị trấn đã đưa vào hoạt động bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Để công tác CCHC được triển khai một cách có hiệu quả, tại các xã/thị trấn đều áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc giải quyết TTHC. 100% cán bộ, công chức xã sử dụng thành thạo tin học văn phòng. UBND huyện thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, xử lý và trả kết quả TTHC, việc sử dụng phần mềm một cửa, một cửa liên thông trong việc giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và Trả kết quả trên cơ sở phần mềm điện tử đã được cài đặt. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại được đưa vào vận hành đã hạn chế được việc đi lại nhiều lần của người dân/tổ chức khi giao dịch thủ tục hành chính với cơ quan Nhà nước.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền về cải cách hành chính được tăng cường. UBND huyện luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, các ban ngành, đoàn thể, toàn thể cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích trong giải quyết TTHC. Việc niêm yết công khai thủ tục hành chính, đường dây nóng, địa chỉ tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị được thực hiện tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, trụ sở nhà hợp khối UBND huyện, UBND các xã, thị trấn… Việc cập nhật các thủ tục hành chính được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ trên trang thông tin điện tử của huyện được thực hiện kịp thời.
Bảng niêm yết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Ba Bể
UBND huyện còn thường xuyên thăm nắm thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc giải tuyết thủ tục hành chính, đặc biệt là đối với lĩnh vực “nóng” như tài nguyên và môi trường, thông qua các cuộc họp, kỳ tiếp xúc cử tri. UBND huyện cũng thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo, giám sát các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm; làm tốt công tác theo dõi, rà soát, cập nhật, kịp thời nắm bắt để đăng ký điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định; cung cấp đầy đủ, kịp thờithông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu.
Hiện nay, huyện Ba Bể đang duy trì Hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008 gồm Sổ Tay chất lượng, Chính sách chất lượng, Mục tiêu chất lượng với 06 quy trình trên 11 lĩnh vực theo bộ TTHC và đã được UBND tỉnh phê duyệt để áp dụng tại các phòng, ban chuyên môn. Tổng số Thủ tục hành chính đã được xây dựng và áp dụng theo Hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008 là 152 thủ tục. Huyện Ba Bể áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đối với 11 phòng chuyên môn bao gồm: Văn phòng HĐND&UBND, phòng Nội vụ, phòng Tư pháp, phòng Giáo dục và Đào tạo, phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Lao động - TB&XH, phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng Tài chính-Kế hoạch, phòng Kinh tế và Hạ tầng, phòng Văn hóa và Thông tin, Thanh tra huyện. Các phòng chuyên môn áp dụng hệ thống quản lý trong công tác giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của từng phòng theo quy định của pháp luật.
Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 đã góp phần giảm và ngăn chặn nhiều sai sót trong công việc; nâng cao khả năng giải quyết công việc theo đúng trình tự và thời gian các quy trình, thủ tục đã ban hành; tạo điều kiện để có thể xác định đúng chức năng, nhiệm vụ và cách thức đạt hiệu quả cao trong công việc; tạo phong cách làm việc khoa học, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng bộ phận, loại bỏ được nhiều thủ tục không cần thiết. Việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO trong hoạt động giải quyết thủ tục hành chính tại UBND huyện còn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công của huyện, tạo được lòng tin và sự hài lòng của tổ chức, cá nhân.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, CCHC ở Ba Bể có những chuyển biến tích cực, chất lượng giải quyết TTHC ngày càng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc của các cá nhân, tổ chức, nhận được đánh giá tốt từ Nhân dân. Công dân, tổ chức có nhu cầu giải quyết công việc thay vì phải đi lại nhiều lần, nhiều nơi như trước, nay chỉ cần đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã để nộp hồ sơ sau đó chờ đến ngày hẹn để lấy kết quả giải quyết hoặc nhận kết quả ngay, thậm chí còn có thể thực hiện giao dịch tại bất cứ nơi đâu có mạng internet thông qua sử dụng hệ thống thông tin dịch vụ công trực tuyến do tỉnh cung cấp. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn huyện (cấp xã và cấp huyện) đã tiếp nhận và giải quyết hơn 8.000 hồ sơ TTHC của cá nhân, tổ chức; trong đó, 95,1% hồ sơ được giải quyết đúng hạn.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính của huyện còn hạn chế nhất định. Mô hình một cửa liên thông hiện đại chính là việc ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, vì vậy người dân và doanh nghiệp cũng phải am hiểu về công nghệ thông tin. Tuy nhiên thực tế tại địa phương phần lớn người dân là người lao động, đồng bào dân tộc thiểu số nên trình độ tin học hạn chế, nhiều người dân còn chưa từng được tiếp xúc với máy vi tính, điều này gây khó khăn lớn trong việc triển khai thực hiện việc nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn.
Hiện nay, huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác CCHC, chú trọng công tác giải quyết hồ sơ trên các lĩnh vực theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đến nay, một tín hiệu đáng mừng là tại các xã, thị trấn và cơ quan chuyên môn của huyện đều thực hiện văn bản điện tử và chữ ký số, hạn chế tối đa việc sử dụng văn bản giấy như trước đây./.