Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Chiều ngày 14/5/2019, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC 4 tháng đầu năm 2019. Chủ trì Hội nghị Ông Mai Tiến Dũng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, phát biểu tại Hội nghị

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, lãnh đạo các sở và lãnh đạo phòng chuyên môn liên quan đến cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính các Sở Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch & Đầu tư, Thông tin & Truyền thông.

  

Toàn cảnh điểm cầu trực tuyến tỉnh Bắc Kạn

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm cải cách hành chính của Chính phủ trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Trong những tháng đầu năm 2019 công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh đã được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự quan tâm vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương.

Theo báo cáo tại Hội nghị, trong 4 tháng đầu năm 2019 các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện đánh giá tác động 177 TTHC quy định tại 38 dự thảo văn bản QPPL. Ban hành 700 quyết định công bố 13.386 TTHC quy định tại 132 văn bản QPPL. Tiếp nhận 1.049 phản ánh, kiến nghị, đã xử lý 934/1.049 PAKN đạt 89,03%. Có 19/23 bộ, ngành và 54/63 địa phương ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ, đến nay các Bộ, ngành đã trình ban hành 29 văn bản QPPL để chính thưc cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh đạt 110,6% vượt 10,6% so với yêu cầu; trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản QPPL để cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đạt 136,5% vượt 36,5% so với yêu cầu, giúp tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công, tương đương trên 6.300 tỷ đồng. Có 53/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh để tiếp nhận và giải quyết TTHC. Các Bộ, ngành đã thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để tiếp nhận TTHC. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại các địa phương là 42.127 dịch vụ, trong đó 3.480 dịch vụ có phát sinh hồ sơ đạt 8,26%; tại các Bộ, ngành là 1.709 dịch vụ, trong đó 380 dịch vụ có phát sinh hồ sơ đạt 22,23%. Trục liên thông văn bản quốc gia đã chính thức đi vào hoạt động phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước, theo đó 100% Bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản với Trục liên thông văn bản quốc gia.

Tuy nhiên, việc kiểm soát khâu ban hành TTHC vẫn chưa chặt chẽ, qua thẩm tra của Văn phòng Chính phủ tại 22 dự thảo văn bản QPPL có quy định 115 TTHC, đã đề nghị không quy định 14 TT và sửa đổi bổ sung 98 TT không cần thiết và không hợp lý. Việc công bố, công khai danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh sau cắt giảm còn chậm, đến hết quý I năm 2019 mới có 6/11 Bộ, ngành có kết quả rà soát, tổng hợp công bố công khai về số lượng sản phẩm kiểm tra chuyên ngành sau khi cắt giảm.

Tại Hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương đề xuất Chính phủ nhiều nội dung về cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tiếp thu các ý kiến đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, ưu tiên, tập trung thời gian, nguồn lực cho cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân là thước đo hiệu quả của chính quyền các cấp./.

Tác giả:  L.T
Nguồn: