Bắc Kạn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã
Cán bộ, công chức cấp xã là người trực tiếp tổ chức thực hiện toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước đến người dân. Sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn trong những năm qua, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Xác định được vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, trong những năm qua tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

Toàn cảnh lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chức cấp xã tỉnh Bắc Kạn
Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều giải pháp tích cực để nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã coi trọng và đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức các mặt của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, theo đó đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã từng bước được nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị.
Để quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng theo lộ trình và phù hợp với thực tiễn của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn quản lý về công tác đào tạo, bồi dưỡng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hàng năm và theo giai đoạn. Mục tiêu chung của kế hoạch là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ có đủ năng lực xây dựng hệ thống chính trị, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tiên tiến, hiện đại; đáp ứng các tiêu chuẩn về chức danh cán bộ, công chức và nâng cao nhận thức, kỹ năng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng, chất lượng, cơ cấu phù hợp với yêu cầu thực tiễn, có phẩm chất, đạo đức, lối sống tốt và năng lực thi hành, nhiệm vụ công vụ được giao.
Từ năm 2010 đến năm 2018, thực hiện Quyết định 1374/QĐ-TTg ngày 12/8/2011 và Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủỦy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020, theo đó đã giao các cơ quan, đơn vị mở 36 lớp đào tạo, bồi dưỡng, thời gian đào tạo, bồi dưỡng 5-20 ngày/lớp, với 3.344 lượt người tham gia, kết quả đạt mục tiêu đề ra. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng tập trung vào những kiến thức cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức thực thi công vụ… cùng với các kỹ năng mềm như kỹ năng lãnh đạo, kiểm tra, giám sát, kỹ năng xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, kỹ năng quản lý, kỹ năng giải quyết tình huống… Qua đào tạo, bồi dưỡng, trình độ chuyên môn, kỹ năng thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Qua đó, đã làm tốt hơn công tác tham mưu, có nhiều đề xuất, giải pháp để thực thi hiệu quả nhiệm vụ góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đến năm 2018, số lượng cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên đạt 72,06%; số lượng công chức cấp xã có trình độ từ trung cấp trở lên đạt 98,79%.
Tuy đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhưng do Bắc Kạn là một tỉnh miền núi, nguồn kinh phí bố trí cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã chủ yếu từ nguồn ngân sách của nhà nước, kinh phí được giao hàng năm còn hạn chế. Do vậy, chủ yếu bố trí cho các lớp bồi dưỡng ngắn hạn và chỉ mới đáp ứng yêu cầu trước mắt đối với một số nội dung, đối tượng cấp bách, chưa đáp ứng yêu cầu về lâu dài, chưa tập trung cho bồi dưỡng chuyên sâu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới, tỉnh Bắc Kạn cần có những giải pháp như huy động các nguồn lực tài chính từ các tổ chức hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước và đề nghị Trung ương tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh Bắc Kạn. Đồng thời, đổi mới cơ bản, toàn diện, đồng bộ, có hệ thống, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức để hoạt động đào tạo, bồi dưỡng thực sự trở thành giải pháp hữu hiệu nhất trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh./.