Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi việc”; “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Hầu hết những sai lầm lớn, nhỏ đều bắt nguồn từ công tác cán bộ, từ khâu đánh giá, bố trí cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ. Chỉ cần một cán bộ, công chức, viên chức tham nhũng, gây phiền hà, thiếu tôn trọng nhân dân thì đều có thể ảnh hưởng không tốt đến uy tín của cơ quan, tổ chức, của Đảng và Nhà nước, nhất là trong điều kiện phát triển nhanh của mạng xã hội như hiện nay. Do đó, cần phải cẩn trọng trong việc tạo ra, duy trì lề lối, phong cách làm việc đúng đắn, góp phần xây dựng tổ chức, cơ quan, đơn vị vững mạnh. Trên thực tế, ở đâu cán bộ, công chức, viên chức dân chủ, thân ái với đồng nghiệp; tôn trọng, gần gũi, trách nhiệm với nhân dân thì ở đó cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ và quần chúng nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước ở địa phương.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi việc”; “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Hầu hết những sai lầm lớn, nhỏ đều bắt nguồn từ công tác cán bộ, từ khâu đánh giá, bố trí cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ. Chỉ cần một cán bộ, công chức, viên chức tham nhũng, gây phiền hà, thiếu tôn trọng nhân dân thì đều có thể ảnh hưởng không tốt đến uy tín của cơ quan, tổ chức, của Đảng và Nhà nước, nhất là trong điều kiện phát triển nhanh của mạng xã hội như hiện nay. Do đó, cần phải cẩn trọng trong việc tạo ra, duy trì lề lối, phong cách làm việc đúng đắn, góp phần xây dựng tổ chức, cơ quan, đơn vị vững mạnh. Trên thực tế, ở đâu cán bộ, công chức, viên chức dân chủ, thân ái với đồng nghiệp; tôn trọng, gần gũi, trách nhiệm với nhân dân thì ở đó cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ và quần chúng nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước ở địa phương.

Những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chỉ thị để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính các cấp như: Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 07/9/2006, Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện đổi mới tác phong, lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, phát huy dân chủ, gần dân, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp như: Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 18/4/2014 của Tỉnh uỷ Bắc Kạn; Quyết định số 28/2015/QĐ-UBND ngày 24/12/2015, Kế hoạch số 348/KH-UBND ngày 13/10/2016, Kế hoạch 165/KH-UBND ngày 03/4/2020 của UBND tỉnh. Trong quá trình các cấp, các ngành triển khai thực hiện các chỉ thị, kế hoạch nêu trên, tác phong, lề lối làm việc, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ có chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra trong giai đoạn 2016-2020, tuy nhiên vẫn còn một số bất cập, hạn chế đặt ra cần được quan tâm khắc phục.

Thực trạng về lề lối làm việc của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh

Hiện nay, các cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND tỉnh gồm có 20 cơ quan, 08 đơn vị hành chính cấp huyện và 108 đơn vị hành chính cấp xã; có 388 đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và các quy định hiện hành, UBND tỉnh đã thực hiện phân cấp cho các cấp, các ngành thực hiện quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức và phân cấp quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành, lĩnh vực giữa cấp tỉnh với các sở, ngành và chính quyền địa phương để thực hiện thống nhất, có hiệu quả nhiệm vụ được giao và nâng cao tính chủ động trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của ngành, địa phương.

Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự đồng lòng của nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn tiếp tục phát triển ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Kết quả đạt được trên các lĩnh vực như sau: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng; sản xuất nông, lâm nghiệp có chuyển biến theo hướng tích cực; Công nghiệp - Xây dựng tăng trưởng khá, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển ổn định; công tác lập quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng có chuyển biến tiến bộ; sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hợp tác xã có bước phát triển; công tác xúc tiến đầu tư đạt hiệu quả; công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường có chuyển biến tích cực; khoa học công nghệ có nhiều đổi mới, công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt kết quả khá; công tác giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm, phòng chống tệ nạn xã hội cơ bản đạt mục tiêu đề ra; giáo dục và đào tạo có tiến bộ; công tác y tế - chăm sóc sức khỏe nhân dân được bảo đảm, chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng lên; công tác văn hóa, thể dục thể thao, gia đình được quan tâm, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai rộng khắp; công tác thông tin và truyền thông đạt kết quả khá; công tác dân tộc, tôn giáo được thực hiện có hiệu quả; tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo cơ bản ổn định và phát triển. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương có chuyển biến, tiến bộ rõ rệt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố, giữ vững; công tác nội chính, cải cách tư pháp, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường.

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ thì phong cách, lề lối làm việc của các cấp, các ngành (tập thể lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu)là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đồng thời có tính chất quyết định đến việc xây dựng hình ảnh, uy tín của tổ chức, tập thể nói riêng, uy tín của Đảng và Nhà nước nói chung trước nhân dân và toàn xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ, các cấp, các ngành còn bộc lộ một số hạn chế trong phong cách, lề lối làm việc, cụ thể như:

Trong công tác chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ, đôi khi còn qua loa, đại khái hoặc theo nội dung văn bản cấp trên, chưa cụ thể hóa để phù hợp với thực tế địa phương; còn thiếu tính hệ thống, sắp đặt thành kế hoạch khoa học, chưa coi trọng việc kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm kế hoạch được thực hiện thông suốt, đúng tiến độ, đạt hiệu quả công tác theo mục tiêu đề ra. Do việc chỉ đạo chưa có tính hệ thống nên không chọn được các vấn đề trọng điểm để tập trung chỉ đạo quyết liệt tạo đột phá, đạt kết quả tối ưu. Mặt khác, khi gặp các ý kiến mâu thuẫn, trái chiều, tập thể lãnh đạo thường ít khi truy đến tận cùng căn nguyên của vấn đề, vẫn còn tình trạng dung hòa các ý kiến để có sự “đồng thuận” về mặt hình thức nhưng không giải quyết được bản chất của vấn đề.

Việc phân công nhiệm vụ đôi khi chưa cụ thể, rõ ràng nên chưa gắn được trách nhiệm cá nhân trong xử lý sai phạm. Mặt khác, chưa chú trọng trong việc phân công nhiệm vụ trên cơ sở năng lực chuyên môn, sở trường công tác của từng cá nhân nên chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo cũng như nêu cao tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân trong thực thi nhiệm vụ. Chưa chỉ đạo quyết liệt về nội dung thực hiện trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu các bộ phận, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong việc thực thi công vụ. Theo đó, việc gắn trách nhiệm cá nhân đối với những sai sót, vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ chưa cụ thể, rõ ràng.

Một số tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa chú trọng việc tạo phong cách làm việc đối thoại, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức phản biện, giải trình các nội dung tham mưu nhằm định hướng đúng, đưa ra được giải pháp tối ưu trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh.

Việc chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm thay đổi tư duy, thái độ, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tiếp nhận, thụ lý, giải quyết thủ tục hành chính trên tinh thần tận tụy, phục vụ nhân dân, “lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc” chưa được thực hiện thường xuyên, chưa đưa vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao.

Công tác định hướng chiến lược của một số ngành, lĩnh vực, địa phương chưa thực sự đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Do đó, trong thời gian qua kết quả thực hiện nhiệm vụ các cấp, các ngành chưa cao, còn một số tồn tại, hạn chế nhất định và nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do công tác dự báo, định lượng, xác định hệ thống chỉ tiêu chưa thật sự hợp lý; công tác lãnh đạo, chỉ đạo và việc kiểm tra, đôn đốc của các cấp, các ngành đôi lúc chưa thường xuyên, quyết liệt, triệt để; trách nhiệm của người đứng đầu chưa thật sự được đề cao; bộ máy chính quyền cơ sở một số nơi còn bộc lộ nhiều hạn chế, công tác quản lý, điều hành còn yếu. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý trên một số lĩnh vực còn bất cập, chất lượng không đồng đều, thiếu năng động, sáng tạo, đổi mới, thiếu chuyên nghiệp. Công tác quy hoạch chưa được quan tâm chỉ đạo sát sao nên việc xác định bước đi và lộ trình hoạt động cho từng năm, từng giai đoạn thiếu đồng bộ, chưa tạo ra môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Các cơ chế chính sách triển khai ở một số lĩnh vực còn thiếu hệ thống giám sát đánh giá kết quả thực hiện; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành còn chưa chặt chẽ.

Trên cơ sở các tồn tại, hạn chế nêu trên, kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị, địa phương hằng năm thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức phần lớn đạt mức hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ còn rất thấp. Trung bình kết quả xếp loại chất lượng công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã từ năm 2016 đến năm 2020, như sau:

Kết quả xếp loại chất lượng công chức cấp tỉnh, cấp huyện: Tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: 16%; hoàn thành tốt nhiệm vụ: 81%; hoàn thành nhiệm vụ: 2%; không hoàn thành nhiệm vụ: 1%.

Trung bình kết quả xếp loại chất lượng viên chức cấp tỉnh, cấp huyện: Tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: 19,45%; hoàn thành tốt nhiệm vụ: 72,95%; hoàn thành nhiệm vụ: 7,40%; không hoàn thành nhiệm vụ: 0,21%.

Trung bình kết quả xếp loại chất lượng cán bộ, công chức cấp xã: Tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: 2,92%; hoàn thành tốt nhiệm vụ: 92,68%; hoàn thành nhiệm vụ: 3,29%; không hoàn thành nhiệm vụ: 0,61%; số cán bộ, công chức chưa đủ điều kiện để đánh giá xếp loại: 0,51%.

Như vậy, kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm chưa tương ứng với chất lượng, kết quả thực hiện nhiệm vụ thực tế của cán bộ, công chức, viên chức. Nguyên nhân, do một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn nặng tính chủ quan, cảm tính, chưa bám sát vào các tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng theo quy định; chưa đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ theo tiến trình, tiến độ và chất lượng công việc; một số lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị chưa thẳng thắn đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dưới quyền yếu kém do cả nể, sợ bị mất lòng, đánh giá chưa thực chất nên kết quả xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức chưa phản ánh được thực tế năng lực, trách nhiệm, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.

Từ thực trạng đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức hằng năm chưa thực chất nêu trên dẫn đến công tác tinh giản biên chế thực chất của tỉnh chưa đạt mục tiêu theo quy định. Do đó, việc đưa ra khỏi hệ thống chính trị những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng về trình độ, năng lực, sức khỏe… theo yêu cầu của vị trí việc làm và thực hiện cơ cấu lại đội ngũ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh chưa đạt yêu cầu theo quy định.

Thực trạng về phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở. Trình độ, kiến thức và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dần được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Với 95% công chức cấp huyện, cấp tỉnh; 62,4% viên chức có trình độ từ Đại học trở lên, cơ bản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đều có khả năng vận dụng kiến thức vào hoạt động thực tiễn công việc được giao, từ đó hiệu quả công tác được nâng lên rõ rệt. Nhìn chung, cán bộ, công chức, viên chức cơ bản thực hiện tốt kỷ luật lao động, có tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, có ý thức chủ động nghiên cứu, học hỏi nâng cao năng lực chuyên môn, qua đó nâng cao hiệu quả công tác.

Tuy nhiên, qua kết quả thanh tra, kiểm tra và khảo sát cho thấy chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, biểu hiện cụ thể ở các phương diện sau:

Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa ý thức rõ về chức trách, nhiệm vụ được giao. Tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức chưa chấp hành tốt các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị. Một số cán bộ, công chức, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; chưa thực hiện đúng quy trình, quy định về chuyên môn, nghiệp vụ; thiếu kiểm tra, giám sát và giải trình làm ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác và tác phong, uy tín, hình ảnh của người cán bộ, công chức, viên chức trước nhân dân.

Tinh thần phục vụ, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, chưa làm hết trách nhiệm; kỷ cương, kỷ luật hành chính ở một số đơn vị còn thiếu các biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục như: Đất đai, cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đầu tư, môi trường, xây dựng, thanh tra chuyên ngành và một số đơn vị cung ứng dịch vụ hành chính công phục vụ yêu cầu của người dân ở xã, phường, thị trấn…

Thực tế chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong cơ chế mới. Mặc dù công tác đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm, tăng cường, số lượng cán bộ, công chức, viên chức qua các lớp, các khóa đào tạo, bồi dưỡng khá lớn nhưng chất lượng công tác quản lý nhà nước, việc vận dụng kỹ năng nghiệp vụ hành chính vào giải quyết công việc thực tế chưa cao.

 

 

Lớp Bồi dưỡng công chức cấp xã

 

 

Lớp Bồi dưỡng công chức cấp xã

Năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới hiện nay. Một số cán bộ, công chức, viên chức chưa có kiến thức, kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, nghiên cứu khoa học; chưa sử dụng, ứng dụng kỹ thuật mới vào lĩnh vực công việc đang đảm nhiệm một cách thuần thục.

Nhận thức về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc. Một số cán bộ, công chức thực hiện các công việc theo khuôn mẫu, quy định có sẵn, chưa có tư duy đột phá, cải tiến để thay đổi lề lối, phương thức làm việc nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

Tâm lý ngại học, ngại đổi mới còn ăn sâu trong suy nghĩ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến không đủ khả năng tiếp thu những cái mới, những tiến bộ khoa học để ứng dụng vào công việc. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng, chưa thường xuyên, tích cực học tập, bồi dưỡng, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ...

Chất lượng tham mưu giải quyết công việc chưa cao, một phần do vẫn còn có cán bộ, công chức, viên chức chưa tự giác nghiên cứu tài liệu dẫn đến không sâu về chuyên môn nghiệp vụ; chưa có kế hoạch, giải pháp công tác cụ thể nên thiếu chủ động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Với thực trạng nêu trên, trong thời gian tới, cần thiết phải có những giải pháp cụ thể để đổi mới phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nhằm thực hiện đạt hiệu quả việc thực thi công vụ, tạo được niềm tin của nhân dân và doanh nghiệp vào sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước ở địa phương./.

Tác giả:  Nguyễn Hà
Nguồn: