Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Một số giải pháp thực hiện tốt Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025

Thực hiện Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 14/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025, ngày 15/7/2019, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch số 414/KH-UBND tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Kế hoạch này được triển khai sâu rộng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và tổ chức hội từ tỉnh đến cơ sở trong toàn tỉnh Bắc Kạn. Căn cứ Kế hoạch này và điều kiện cụ thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Phong trào thi đua, bảo đảm nội dung, chất lượng và tiến độ.

Nói đến văn hóa công sở, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những khía cạnh như: văn hóa giao tiếp, ứng xử nơi làm việc; đạo đức lối sống; trang phục ăn mặc; bài trí nơi làm việc; văn hóa họp hay giờ giấc làm việc... Tuy nhiên, bên cạnh những nội dung trên chúng ta cần phải nhìn nhận rằng tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức là nội dung quan trọng trong thực hiện văn hóa công sở, nội dung này được đặt lên hàng đầu của nội dung văn hóa công vụ trong Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án văn hóa công vụ. Việc phát động phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở là một hoạt động thiết thực, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và tổ chức hội để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.

          Vậy làm thế nào để thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” một cách có hiệu quả? các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và tổ chức hội cần phải làm gì? Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần phải làm gì? Đó là yêu cầu đặt ra với mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức và mỗi cá nhân chúng ta.

Hội nghị giao ước thi đua 

Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận thực tế rằng những nội dung phản ánh về văn hóa công sở hiện nay đa phần chê nhiều hơn khen. Ở đâu đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế, những hình ảnh, ứng xử không đẹp....., như:

Về văn hóa giao tiếp, ứng xử nơi làm việc; tinh thần, thái độ làm việc: Nhìn chung, trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, văn hóa ứng xử, giao tiếp giữa cán bộ, công chức, viên chức với nhau hay với người dân đều chuẩn mực đạo đức, tôn trọng, lịch sự. Song ở đâu đó trong cơ quan, chúng ta vẫn thỉnh thoảng bắt gặp những công chức, viên chức ngồi tán chuyện, cười nói rầm rộ khá phản cảm; một bộ phận công chức, viên chức không nhiệt tình trong công vụ, tiếp dân thờ ơ, vô cảm, quan liêu hách dịch, nhũng nhiễu, thậm chí nhiều trường hợp còn vòi vĩnh, mặc cả gây khó dễ để kiếm phong bì, phong bao.

          Về đạo đức lối sống: Vẫn còn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, công chức, viên chức; vẫn có hiện tượng cán bộ, công chức nhà nước bị lôi kéo nghiện hút ma túy, rượu chè quá đà và quan hệ không lành mạnh.

          Về trang phục ăn mặc: Khó để đưa ra định nghĩa rõ ràng thế nào là trang phục phù hợp nơi công sở nên những quy định chỉ mang tính khung. Nhìn chung cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện việc sử dụng trang phục trên cơ sở các quy định đồng thời phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu của công việc. Tuy nhiên, nhiều cán bộ, công chức chưa đề cao ý thức trong cách ăn mặc khi đến cơ quan, có trường hợp ăn mặc quá tuềnh toàng, hoặc diêm dúa gây phản cảm, hoặc mặc váy ngắn cũn cỡn, một số công chức thường xuyên không đeo thẻ công chức... Những hình ảnh như vậy không phù hợp với môi trường cơ quan công sở nhà nước.

Về bài trí nơi làm việc, sử dụng tài sản công: Đa phần các cơ quan, đơn vị đều quan tâm đến việc bài trí khuôn viên công sở, vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng, trồng cây xanh đẹp mắt. Tuy nhiên, ở một số cơ quan, đơn vị, việc để phòng làm việc ngổn ngang, bẩn, bàn ghế xộc xệch, tủ tài liệu chật cứng, tài liệu chất đống trên mặt bàn, thiết bị điện, dây điện chồng chéo, bàn uống nước bừa bộn thiếu vệ sinh...việc sử dụng tài sản công còn tình trạng thiếu trách nhiệm, sử dụng điều hòa, đèn, quạt chưa tiết kiệm, quên tắt khi công chức ra khỏi phòng làm việc, mực in, giấy in sử dụng lãng phí...

          Về văn hóa họp hay giờ giấc làm việc: Những năm trở lại đây, ý thức chấp hành giờ giấc họp, làm việc của cán bộ, công chức, viên chức đã được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn có những cán bộ, công chức đi họp không đúng giờ, trao đổi, làm việc riêng trong cuộc họp, đi làm muộn về sớm, làm việc riêng trong giờ làm việc; có những cán bộ, công chức đến cơ quan mở cửa phòng làm việc, bật máy tính lên và sau đó rời khỏi cơ quan để ăn sáng hoặc làm việc cá nhân khác...

          Ngoài ra, còn những vấn đề khác cũng nằm trong văn hóa công sở như: nói chuyện điện thoại, việc sử dụng email, hòm thư công vụ, việc nhận xét, đánh giá, phê bình, ứng xử ngoài cơ quan, để xe nơi công cộng, việc hút thuốc lá nơi công sở....cũng còn nhiều bất cập, tồn tại.

          Từ những thực trạng trên cho thấy để thực hiện tốt Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, thiết nghĩ cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, có tiêu chí rõ ràng, cụ thể phù hợp gắn với nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị.

Thứ hai, Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; theo dõi thi đua và đôn đốc thường xuyên; chỉ đạo lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn đánh giá bình công thường xuyên theo tuần, tháng; thực hiện kiểm tra, đánh giá sơ kết, tổng kết để kịp thời khen thưởng, động viên khích lệ những tấm gương người tốt, việc tốt, sáng kiến hay trong phong trào thi đua.

Thứ ba, Để xây dựng một văn hóa công sở tốt đẹp, mấu chốt quan trọng là nhận thức của mỗi cá nhân, từ nhận thức đúng, tích cực sẽ tạo nên những hành động đúng, tích cực. Do vậy, việc nâng cao nhận thức cho cá nhân bằng các hình thức như: tuyên truyền giáo dục từ trong mỗi gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, làng xóm, tổ dân phố; đề cao tinh thần xây dựng văn hóa đẹp ở mọi nơi, mọi lúc. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Lãnh đạo mỗi cơ quan, đơn vị cần quan tâm tuyên truyền, phổ biến những giá trị công sở, vị trí công việc, những giá trị làm nên một công sở năng động, tận tụy, luôn hướng đến mục tiêu cao đẹp là phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

Thứ tư, Sự vào cuộc của các tổ chức Đảng, Công đoàn và Đoàn thanh niên cũng là một giải pháp hữu ích trong việc thúc đẩy phong trào thi đua có hiệu quả. Thực hiện thi đua từng lĩnh vực công tác, từng hoạt động từ đoàn thanh niên đến đảng viên thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề, những hoạt động thiết thực mỗi dịp lễ lớn, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua những việc làm cụ thể hàng ngày...

Thứ năm, Tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên, đột xuất hoạt động thực thi công vụ theo tinh thần Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

          Triển khai, tổ chức, thực hiện tốt Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” là hoạt động mang ý nghĩa lớn, giúp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động; sự tu dưỡng rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; góp phần xây dựng một môi trường văn hóa công sở chuẩn mực với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tận tâm tận lực, nhiệt huyết, chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, tận tình, thân thiện, đồng thời cũng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của công chức trong toàn tỉnh Bắc Kạn nói riêng và trong cả hệ thống chính trị nói chung, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Tác giả:  Nguyễn Hoa
Nguồn: 

Tin bài mới:


Bắc Kạn tổ chức kỳ thi nâng ngạch công chức, thi thăng hạng viên chức hành chính từ ngạch chuyên viên lên ngạch chuyên viên chính (chỉ tiêu năm 2018) (14/06/2019)

Tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch tổ chức thi nâng ngạch công chức từ ngạch nhân viên, cán sự và tương đương lên ngạch chuyên viên và tương đương (13/06/2019)

Một số giải pháp thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn (09/04/2019)

Bắc Kạn bước đầu thực hiện sắp xếp, bố trí, kiện toàn đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố (27/02/2019)

Những nét mới trong tuyển dụng công chức năm 2018 (19/12/2018)

Bầu bổ sung Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn (11/12/2018)

Thực trạng và giải pháp việc xây dựng phong cách, tác phong công tác gắn với thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, công vụ của cán bộ, công chức nhằm thúc đẩy cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn (06/11/2018)

Thông báo Kết quả điểm thi tuyển công chức năm 2017(03/10/2018)

UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức, tuyển dụng công chức không qua thi tuyển vào các cơ quan chuyên môn cấp huyện(30/08/2018)

Hướng dẫn thi nâng ngạch công chức hành chính năm 2018.(22/08/2018)