Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thực trạng và giải pháp việc xây dựng phong cách, tác phong công tác gắn với thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, công vụ của cán bộ, công chức nhằm thúc đẩy cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Trong những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là một trong những nội dung góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu tạo bước chuyển biến cơ bản trong công tác cán bộ góp phần không nhỏ vào công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tiến hành xây dựng, ban hành quy định tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức, niêm yết 7 chuẩn mực đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trụ sở cơ quan. Thông qua việc xây dựng và thực hiện các chuẩn mực đạo đức, tinh thần thái độ trong thực hiện nhiệm vụ, ý thức trách nhiệm, gương mẫu trong công tác của cán bộ, công chức có sự chuyển biến tích cực, nhất là đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc theo hướng gần dân, sát cơ sở, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những kiến nghị, phản ánh bức xúc của nhân dân… Theo số liệu thống kê đến ngày 31/12/2017, tổng số cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn tỉnh gồm 14.204 người. Trong đó, khối đảng, đoàn thể 808 người; khối Nhà nước 11.064 người, cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã 2.332 người. Trong đó, trình độ chuyên môn: Thạc sỹ và chuyên khoa I trở lên 464 người (chiếm 3,27%); đại học 6.812 người (chiếm 48%); cao đẳng 2.505 người (chiếm 17,6%); trung cấp, sơ cấp 3.943 người (chiếm 27,7%). Nhìn chung, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý các cấp phát huy tốt vai trò, khả năng của mình, không ngừng nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành, góp phần quan trọng vào sự đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị. Đa phần cán bộ, công chức của tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, giữ vững đạo đức, phẩm chất cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và chấp hành sự phân công của tổ chức, có lối sống lành mạnh, giản dị, gắn bó với nhân dân góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh ta trong thời kỳ hội nhập nền kinh tế của đất nước.

Việc nâng cao ý thức, trách nhiệm cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn, tăng cường sự minh bạch trong công tác lãnh đạo, quản lý, chấn chỉnh phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý… qua đó góp phần ổn định tư tưởng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, một số cấp ủy cơ sở còn lúng túng trong chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng chuẩn mực đạo đức. Một số cán bộ, công chức chưa thực sự nghiêm túc, chưa thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp theo chuẩn mực chung của ngành, còn ngại rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu, còn hiện tượng cán bộ, công chức chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao. Có thể thấy, những việc liên quan sai phạm về đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn hiện nay xuất hiện chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như đất đai, xây dựng, y tế… Trong đó, có nhiều vụ việc cán bộ, công chức, viên chức vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng như một số vụ công chức kiểm lâm, viên chức làm công tác quản lý, bảo vệ rừng lơ là, thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng phát phá rừng trái pháp luật. Cụ thể như, năm 2017, trên địa bàn huyện Chợ Đồn xảy ra phát phá rừng trái pháp luật tại 02 xã Yên Thượng và Yên Thịnh, với 31 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại là 24,533 ha; trên địa bàn huyện Ba Bể xảy ra phát phá rừng trái pháp luật tại xã Phúc Lộc và Hà Hiệu với 05 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại là 7,813 ha... Bên cạnh đó, tình trạng cán bộ, công chức bớt xén thời gian làm việc, đùn đẩy trách nhiệm, giải quyết công việc sai quy định, hướng dẫn, giải thích công việc cho người dân lòng vòng, khó hiểu, thái độ làm việc hời hợt, thiếu nhiệt tình và thân thiện trong việc tiếp công dân; vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức có biểu hiện nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính như yêu cầu bổ sung thêm một số thành phần hồ sơ không có trong thủ tục hành chính, có hiện tượng vòi vĩnh, ngâm hồ sơ nhằm mục đích vụ lợi hoặc giải quyết thủ tục hành chính quá hạn quy định...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do một số ít cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng và tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức; cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuẩn mực đạo đức còn thiếu đồng bộ, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục. Một số cán bộ, công chức chưa nhận thức đúng các giá trị chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, thường xuyên tiếp xúc với nhân dân.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong xây dựng phong cách, tác phong công tác gắn với thực hiện các chuẩn mực đạo đức, nghề nghiệp, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm thúc đẩy cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

 Một là, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng lấy đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm trung tâm. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hai là, các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; nội quy, quy chế làm việc, quy chế văn hóa công sở trong thực thi công vụ. Tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo việc bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch.

Ba là, đổi mới và cải cách công tác quản lý cán bộ, công chức trong tất cả các khâu từ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đánh giá và giải quyết các chính sách, chế độ theo đúng các nguyên tắc trong thi hành công vụ như: Tuân thủ Hiếp pháp và pháp luật; công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát... để giảm thiểu tối đa các tiêu cực phát sinh trong hoạt động của nền công vụ.

Bốn là, thực hiện nghiêm túc, có kết quả về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các kết luận, nghị quyết... về công tác cán bộ. Kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, công chức, viên chức; kịp thời phát hiện, điều chỉnh, bổ sung những hạn chế, thiếu sót và xử lý nghiêm minh những công chức, viên chức vi phạm góp phần đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực. Thực hiện nghiêm Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 10/1/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Hằng năm, mỗi cán bộ, đảng viên phải có bản đăng ký và cam kết “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; không suy thoái, không “tự diễn biến”, không “tự chuyển hóa”.

Xây dựng phong cách, tác phong công tác gắn với thực hiện các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, công vụ của cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn góp phần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là tiền đề để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, phấn đấu “đưa Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực”, góp phần cùng cả nước “thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tác giả:  Nguyễn Thảo
Nguồn: