Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bắc Kạn triển khai thanh toán không dùng tiền mặt

Bắt kịp xu thế của thời kỳ 4.0, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã từng bước triển khai đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong các giao dịch ngân hàng, điện lực, y tế, cụ thể hóa việc thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg phù hợp với điều kiện của địa phương.

          Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 nhằm mục tiêu tạo sự chuyển biến rõ rệt về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, làm thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông tính trên GDP, tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán. Đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả hoạt động của các hệ thống thanh quyết toán, các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; tạo lập cơ chế hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Thúc đẩy việc sử dụng thanh toán điện tử, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán giữa cá nhân, doanh nghiệp và Chính phủ. Nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế và thu nhập cá nhân trong xã hội, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm kinh tế.

Nhằm đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công, Đề án nêu rõ các giải pháp: Hoàn thiện, tăng cường kết nối xử lý giải pháp trao đổi thông tin dữ liệu giữa các cơ quan trong ngành Tài chính (Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) với hệ thống ngân hàng để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phối hợp thu ngân sách nhà nước bằng phương thức điện tử; nhất là thu, nộp thuế điện tử để hỗ trợ công tác quản lý, thu thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho chính phủ, doanh nghiệp và người dân thực hiện đa dạng, linh hoạt các dịch vụ thanh toán điện tử trong việc thu, nộp thuế điện tử.

Bên cạnh đó, triển khai lắp đặt thiết bị POS, mPOS, ứng dụng phương thức thanh toán điện tử tiên tiến đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp công để thực hiện việc thu phí, lệ phí các thủ tục hành chính, dịch vụ công, y tế, giáo dục, giao thông và các dịch vụ công khác. Phát triển và ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử phục vụ chi tiêu công vụ của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

Một giải pháp nữa được Đề án nêu ra là tăng tỷ lệ chi trả trợ cấp xã hội, lương hưu thông qua các phương tiện thanh toán điện tử, tài khoản thanh toán cho các đối tượng thụ hưởng, kết hợp với mở rộng các điểm tiếp cận tiền mặt (bưu điện, đại lý) và các hình thức thanh toán mới, hiện đại, tiện lợi, có chi phí hợp lý. Tiếp tục mở rộng triển khai việc trả lương, thu nhập qua tài khoản; có các biện pháp vận động, khuyến khích để cán bộ, công chức, người lao động tăng cường sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thông qua tài khoản (thực hiện chuyển khoản trực tiếp trên máy ATM, sử dụng thanh toán qua POS, sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại khác).

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đạt được các mục tiêu của Quyết định 2545/QĐ-TTg, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 yêu cầu các bộ, ngành liên quan, các địa phương tích cực, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 2545/QĐ-TTg và các Nghị quyết của Chính phủ. Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo triển khai hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 (Nghị quyết 02/NQ-CP), Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Tiếp tục hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của các tổ chức tín dụng với hạ tầng của các cơ quan Thuế, Hải Quan, Kho bạc Nhà nước để phục vụ yêu cầu phối hợp thu ngân sách Nhà nước bằng phương thức điện tử...

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục mở rộng trả lương qua tài khoản; phối hợp với Kho bạc Nhà nước và các tổ chức liên quan thực hiện việc trả lương qua tài khoản kết hợp với đẩy mạnh thanh toán không dung tiền mặt, thanh toán qua POS; thực hiện các dịch vụ thanh toán hóa đơn, gạch cước viễn thông, thanh toán viện phí, dịch vụ thanh toán e-banking, smartbanking, ipay, ví điện tử,… Việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đã tạo điều kiện cho khách hàng thực hiện các dịch vụ thanh toán được nhanh chóng, an toàn, chính xác; thực hiện công khai minh bạch các biểu phí dịch vụ thẻ. Trong quá trình thực hiện, các ngân hàng đã chủ động giải thích và phản hồi kịp thời các ý kiến phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng về chất lượng dịch vụ thanh toán.

 

Điện lực Bắc Kạn cung cấp thông tin về thanh toán trực tuyến qua ứng dụng zalo

Đối với lĩnh vực điện lực, Công ty Điện lực Bắc Kạn đã triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác thu, nộp tiền điện; đẩy mạnh thu tiền điện qua ngân hàng; cung cấp dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 và dịch vụ nhắn tin qua zalo. Khách hàng thanh toán tiền điện có thể trích nợ tự động tiền điện từ tài khoản Ngân hàng; thanh toán qua website Trung tâm CSKH Tổng Công ty Điện lực miền Bắc: http://cskh.npc.com.vn hoặc Cổng dịch vụ công Quốc gia: http://dichvucong.gov.vn; chuyển khoản từ các phần mềm Internet Banking; Thanh toán qua các Ví điện tử (ViettelPay, Ví Việt, Ipay, ZaloPay, Vimo…) hoặc thực hiện tại Phòng giao dịch của các Ngân hàng Agribank, Viettinbank, BIDV, Liên Việt trên địa bàn tỉnh (từ thứ 2 - Thứ 6), tại Phòng giao dịch của Bưu điện, các cửa hàng Viettel (cả tuần)

Lĩnh vực y tế cũng đã bước đầu triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt. Theo đó, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị thực hiện chức năng khám, chữa bệnh nghiên cứu triển khai thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, nhận thức của người dân. Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai sử dụng hóa đơn điện tử; có 8/10 đơn vị xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực để triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, 01/10 đơn vị đã triển khai việc thanh toán điện tử không dùng tiền mặt ở mức độ đơn giản bằng hình thức chuyển khoản và POS.

Bên cạnh kết quả đạt được, là tỉnh miền núi với điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, việc sử dụng tiền mặt vẫn còn phổ biến trong các giao dịch dân sự của người dân Bắc Kạn, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; thanh toán điện tử trong thương mại điện tử còn thấp. Việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt còn gặp những trở ngại do thói quen, tâm lý ngại sử dụng công nghệ của người dân. Quá trình triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt cũng gặp một số khó khăn như phí giao dịch phải trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán cao.

Trong bối cảnh hiện nay, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, cần tập trung nguồn lực và nỗ lực của tất cả các ngành, lĩnh vực, cả nhà nước và tư nhân với các giải pháp đồng bộ về cơ sở hạ tầng, truyền thông, giáo dục tài chính cộng đồng nhằm thay đổi thói quen và nâng cao niềm tin cho người sử dụng dịch vụ. Khi thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích và đưa vào như một phương thức thanh toán chính yếu trong xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch. Điều này còn có ý nghĩa lớn về đảm bảo an toàn cho xã hội trước những biến cố khó lường như dịch Covid-19, phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghệ 4.0./.

Tác giả:  Nguyễn Nga
Nguồn: