Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động quản lý, điều hành; từng bước thực hiện chuyển đổi hoạt động của cơ quan lên môi trường số; nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, nhất là lãnh đạo các phòng, đơn vị… là những mục tiêu ngành Tư pháp xác định tập trung thực hiện trong lộ trình thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành năm 2022.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động quản lý, điều hành; từng bước thực hiện chuyển đổi hoạt động của cơ quan lên môi trường số; nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, nhất là lãnh đạo các phòng, đơn vị… là những mục tiêu ngành Tư pháp xác định tập trung thực hiện trong lộ trình thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành năm 2022.

Chuyển đổi số ngành Tư pháp là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng dịch vụ công của ngành Tư pháp. Chuyển đổi số phải xác định phục vụ người dân, doanh nghiệp là trung tâm trên cơ sở một tầm nhìn tổng thể và lộ trình, bước đi, ưu tiên cụ thể, phù hợp, khả thi, hiệu quả và an toàn trong điều kiện thực tế ngành tư pháp.

Nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả, đúng mục tiêu Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong ngành Tư pháp; hướng dẫn, hỗ trợ cơ quan tư pháp địa phương triển khai chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan, đơn vị mình, Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 64/KH-STP ngày 29/3/2022, xác định chuyển đổi số phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; tiếp tục công khai, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi cho mọi người dân, doanh nghiệp. Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật CNTT; xây dựng và hoàn thiện các Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành, góp phần hình thành CSDL dùng chung của tỉnh; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống trong và ngoài tỉnh.

Chỉ tiêu cụ thể năm 2022, Ngành Tư pháp phấn đấu 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 50%. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 25%. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết đạt 50%. 100% công chức, viên chức chuyên trách, phụ trách CNTT được bồi dưỡng, tập huấn về Chuyển đổi số, Chính quyền số; 100% công chức, viên chức được tuyên truyền, phổ biến kỹ năng số. Thực hiện tuyên truyền về chuyển đổi số, kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp.

 

Ngành Tư pháp duy trì vận hành

Cổng Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh

Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, ngành tiếp tục duy trì hoạt động của Trang thông tin điện tử Sở và nhiệm vụ cơ quan thường trực Cổng TTĐT phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh; tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp thông qua Trang thông tin điện tử. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả qua cơ chế một cửa; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm tăng số lượng tiếp nhận và xử lý hồ sơ giải quyết TTHC qua mạng. Phấn đấu 100% TTHC của Sở có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh; 70% TTHC của Sở thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ giải quyết đạt từ 25% trở lên; 100% hồ sơ TTHC được giải quyết thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử.

Cùng với đó, vấn đề bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) được chú trọng. Đảm bảo ATTT cho các hệ thống thông tin chuyên ngành, hạ tầng ứng dụng CNTT của cơ quan, không để xảy ra tình trạng lộ, lọt thông tin trên môi trường mạng. 100% hệ thống thông tin được xác định cấp độ bảo đảm ATTT, trong đó hoàn thành ít nhất 70% phương án bảo đảm ATTT theo cấp độ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. 100% máy tính của đơn vị được trang bị phần mềm diệt virus có bản quyền. 100% công chức, viên chức và người lao động được tuyên truyền, phổ biến về thói quen, trách nhiệm và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin.

Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về tầm quan trọng của chuyển đổi số; kiến tạo thể chế theo hướng khuyến khích, sẵn sàng tiếp nhận sản phẩm, giải pháp, mô hình số, thúc đẩy phương thức quản lý mới đối với những quan hệ mới phát sinh. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo ứng dụng CNTT của cơ quan: Nâng cấp trang thiết bị CNTT; hạ tầng mạng LAN; mạng Internet tốc độ cao; triển khai các giải pháp bảo đảm ATTT mạng…

Tác giả:  Nguyễn Nga
Nguồn: