Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng số đồng bộ, hiện đại phục vụ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là quyết tâm của tỉnh Bắc Kạn trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh

Đến nay, mạng lưới viễn thông của tỉnh đã kết nối thông suốt 3 cấp, đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đáp ứng cơ bản nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT, chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động 2G/3G/4G; quang hóa 100% hạ tầng đường truyền tới các cơ quan, đơn vị, địa phương; 100% cơ quan, đơn vị, địa phương được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và được chuẩn hóa kết nối giám sát 4 cấp hành chính; số thuê bao điện thoại đạt 284.135 thuê bao (trong đó, thuê bao điện thoại cố định đạt 4.567, thuê bao điện thoại di động đạt 279.568 thuê bao); số thuê bao điện thoại smartphone đạt 192.579; mật độ điện thoại đạt 90,5 máy/100 dân. Số thuê bao internet đạt 224.065 thuê bao, mật độ thuê bao internet đạt 62 thuê bao/100 dân. Toàn tỉnh hiện có 6.233 km cáp quang, 672 trạm BTS, 07 cột ăng ten sử dụng chung cơ sở hạ tầng, 01 trạm điều khiển thông tin di động BTS. Để phục vụ cho hoạt động dạy và học trực tuyến trong thời gian phòng chống dịch COVID - 19, UBND tỉnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh triển khai phủ sóng 3G và miễn phí, hỗ trợ cước kết nối internet di động, đồng thời xây dựng thêm 05 trạm BTS đảm bảo vùng phủ sóng.

Trên cơ sở hướng dẫn của Cục Bưu điện Trung ương, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo 02 doanh nghiệp (VNPT Bắc Kạn và Viettel Bắc Kạn) thực hiện chuẩn hóa kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã được triển khai đến 108 xã, phường, thị trấn, các huyện, thành phố kết nối đảm bảo thông suốt từ tỉnh đến huyện và đến 108 xã. Từ đầu năm 2022 đến nay, hệ thống đã phục vụ khoảng 50 cuộc họp trực tuyến của tỉnh (bao gồm các cuộc họp được kết nối từ điểm cầu trung ương đến tỉnh).

Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành danh mục 21 nhiệm vụ, dự án ưu tiên về Chuyển đổi số, đang trong quá trình thực hiện. Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đang tiếp tục duy trì, cập nhật dữ liệu cho các cơ sở dữ liệu (CSDL) đã triển khai như: Số hóa tài liệu; CSDL về cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng; CSDL đất đai; CSDL môi trường; Kho CSDL tài nguyên môi trường; CSDL ngành giáo dục; CSDL quản lý giấy phép lái xe; CSDL về giá; CSDL hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử người dân; CSDL công chứng; CSDL quy hoạch xây dựng; CSDL du lịch.

 

Cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường tỉnh Bắc Kạn

Tại cấp huyện, UBND huyện Chợ Đồn đang triển khai dự án xây dựng hệ thống camera an ninh và Trung tâm điều hành thông minh (IOC); UBND thành phố Bắc Kạn đang triển khai dự án Xây dựng thí điểm trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố Bắc Kạn.

Triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, đến nay đã có 284.000 người dân có hồ sơ sức khỏe (đạt 83% dân số toàn tỉnh). Tính đến ngày 15/9/2022, toàn tỉnh đã thu nhận 273.030 hồ sơ căn cước công dân, đã truyền dữ liệu về Cục C06 269.462/273.030 đạt: 98,6%; tổng số thẻ đã tiếp nhận từ C06: 246.312 thẻ CCCD, đã trả thẻ cho công dân: 244.968/246.312 đạt 99,4%. Toàn tỉnh Bắc Kạn đã tiếp nhận 47.412 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử.

Thực hiện thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động nghiên cứu, đổi mới công nghệ, quy trình hoạt động, sản phẩm mới nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng. Tại các ngân hàng thương mại đã có 108.941 người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại các ngân hàng với 158.561 tài khoản được mở; số lượng thẻ thanh toán được mở là 178.120 thẻ; giá trị giao dịch thanh toán qua tài khoản đạt 12.482 tỷ đồng.

Việc triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các doanh nghiệp (Viettel Bắc Kạn, VNPT Bắc Kạn, Bưu điện Bắc Kạn) hướng dẫn công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, đại diện các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cách tạo tài khoản và đăng ký gian hàng trực tuyến để giao dịch, mua bán hàng trên sàn thương mại điện tử Posmart.vn, Voso.vn; cách tạo tài khoản ví điện tử của Viettel, VNPT, Mobiphone. Tính đến nay, toàn tỉnh có 72.473 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản và hoạt động tích cực trên sàn thương mại điện tử; 79.433 hộ được đào tạo kỹ năng số; 798 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử; 12.736 giao dịch trên sàn thương mại điện tử (tỷ lệ giao dịch đạt 18%).

Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu với tỉnh huy động nguồn lực, quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng số tạo nền tảng cho chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực, thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án tổng thể về Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; thúc đẩy nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến (bao gồm tỷ lệ cung cấp và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến); đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương triển khai các dự án, nhiệm vụ ưu tiên về Chuyển đổi số trong năm 2022.

Tác giả:  Nguyễn Nga
Nguồn: