Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Xây dựng xã hội số với lộ trình và các bước đi phù hợp chính là nền tảng giúp phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trên mọi lĩnh vực, góp phần tạo giá trị tăng trưởng mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Xây dựng xã hội số với lộ trình và các bước đi phù hợp chính là nền tảng giúp phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trên mọi lĩnh vực, góp phần tạo giá trị tăng trưởng mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Chuyển đổi số là cuộc chuyển đổi toàn diện từ không gian thực lên không gian số, cho phép đưa toàn bộ hoạt động lên không gian số. Ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi theo ba trụ cột: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số quốc gia; ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số trên địa bàn của địa phương đó.

Chuyển đổi số trong xã hội nhằm hình thành xã hội số. Xét theo nghĩa rộng, xã hội số là xã hội của con người trong môi trường số; bao trùm lên mọi hoạt động của con người với động lực chính là công nghệ số, dựa trên sự tăng trưởng thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng, làm thay đổi mọi khía cạnh của tổ chức xã hội, từ chính phủ, kinh tế cho tới người dân.

Xét theo nghĩa hẹp, xã hội số gồm công dân số và văn hóa số. Có 09 yếu tố cấu thành công dân số là: 1) Khả năng truy cập các nguồn thông tin số, 2) Khả năng giao tiếp trong môi trường số, 3) Kỹ năng số cơ bản, 4) Mua bán hàng hóa trên mạng, 5) Chuẩn mực đạo đức trong môi trường số, 6) Bảo vệ thể chất và tâm lý trước các ảnh hưởng từ môi trường số, 7) Quyền và trách nhiệm trong môi trường số, 8) Định danh và xác thực, 9) Dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số. Dự báo, vào năm 2025, đại đa số người dân trên thế giới sẽ trải qua một sự thay đổi to lớn chỉ trong vòng một thế hệ: Từ chỗ gần như không tiếp cận được thông tin đến chỗ có thể truy cập tất cả thông tin trên thế giới thông qua điện thoại di động thông minh. Văn hóa số là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của con người trong môi trường số.

 

Xã hội số (XHS) là một trong 3 trụ cột của chương trình chuyển đổi số quốc gia, cùng với chính quyền số và kinh tế số. Thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp để thúc đẩy các hoạt động xây dựng xã hội số; chú trọng đầu tư hạ tầng thông tin, xây dựng, phát triển các dịch vụ số; khuyến khích người dân đầu tư, trang bị, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh kết nối mạng internet và truy cập, sử dụng các ứng dụng, dịch vụ số.

Hiện nay, mạng lưới viễn thông đã kết nối thông suốt 3 cấp phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đáp ứng cơ bản nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT của người dân, doanh nghiệp. Cụ thể: 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động 2G/3G/4G; quang hóa 100% hạ tầng đường truyền tới các cơ quan, đơn vị, địa phương; 100% cơ quan, đơn vị, địa phương được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và được chuẩn hóa kết nối giám sát 4 cấp hành chính; số thuê bao điện thoại đạt 284.135 thuê bao (trong đó, thuê bao điện thoại cố định đạt 4.567, thuê bao điện thoại di động đạt 279.568 thuê bao); số thuê bao điện thoại smartphone đạt 192.579; mật độ điện thoại đạt 90,5 máy/100 dân. Số thuê bao internet đạt 224.065 thuê bao, mật độ thuê bao internet đạt 62 thuê bao/100 dân. Toàn tỉnh hiện có 6.233 km cáp quang, 661 trạm BTS, 07 cột ăng ten sử dụng chung cơ sở hạ tầng, 01 trạm điều khiển thông tin di động BS.

Nhiều ngành chức năng đã phối hợp hỗ trợ người dân tham gia sâu vào chương trình CĐS, nhất là tham gia sử dụng các nền tảng, dịch vụ số hữu ích cho đời sống tinh thần, phát triển kinh tế. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã thúc đẩy các hoạt động giảng dạy, học tập trên môi trường internet. Để phục vụ cho hoạt động dạy và học trực tuyến trong thời gian phòng chống dịch COVID - 19, UBND tỉnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh triển khai phủ sóng 3G và miễn phí, hỗ trợ cước kết nối internet di động, đồng thời xây dựng 05 trạm BTS đảm bảo vùng phủ sóng.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, các HTX, cơ sở, hộ sản xuất nông nghiệp thúc đẩy ứng dụng số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ sử dụng các phần mềm quản lý, điều hành sản xuất, ứng dụng thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường.

Để tăng nhanh lượng người dân tham gia vào các hoạt động trên môi trường số, từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã đẩy mạnh chương trình cấp mã định danh số cho công dân. Ngoài chữ ký số của cơ quan Nhà nước đã triển khai từ tỉnh đến xã cho tất cả cán bộ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký số.

Đặc biệt, từ tháng 4/2022, các địa phương trên toàn tỉnh đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng với vai trò là cánh tay nối dài giúp Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số các cấp (từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn) đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thí điểm thành lập được 98/108 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 948 thành viên tham gia; 121/1.301 Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 724 thành viên tham gia.

Các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng kịp thời nắm bắt, cập nhật chủ trương, định hướng, thông tin về hoạt động CĐS quốc gia, các bộ, ngành, địa phương; tham gia chương trình phổ cập kỹ năng số cộng đồng với nhiệm vụ  nắm vững các kỹ năng: sử dụng các tính năng, dịch vụ số trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, thực hiện thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trong giải quyết thủ tục hành chính, các quy trình hướng dẫn tham gia các Sàn thương mại điện tử từ Voso, Postmart… làm nền tảng kiến thức phục vụ hướng dẫn, hỗ trợ người dân.

Theo kết quả xếp hạng chỉ số đánh giá CĐS (DTI) năm 2021 cấp tỉnh, Bắc Kạn xếp hạng 51 với 320,7 điểm, tăng 8 bậc so với năm 2020 (xếp 59 với 241 điểm), trong đó chỉ số Xã hội số đạt 33,55/150 điểm, xếp hạng 50. Kết quả này đặt ra yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với các sở, ngành, địa phương thúc đẩy tuyên truyền, hướng dẫn người dân về kỹ năng số cho người dân thông qua các Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và cấp thôn, tổ. Các sở, ngành và các địa phương nâng cao trách nhiệm trong việc xử lý các vấn đề góp ý, kiến nghị của người dân về chất lượng dịch vụ công, tạo niềm tin cho người dân tham gia xây dựng chính quyền và giải quyết các vấn đề của địa phương trên nền tảng số, không gian mạng… góp phần đưa lộ trình chuyển đổi số của tỉnh bắt kịp xu thế chung của quốc gia./.

Tác giả:  Nguyễn Nga
Nguồn: