Ngày 09 tháng 5 năm 2022, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định phê duyệt Phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính giai đoạn 2022 - 2026 của Ban Quản lý, bảo trì công trình đường bộ thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn.
Ngày 09 tháng 5 năm 2022, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định phê duyệt Phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính giai đoạn 2022 - 2026 của Ban Quản lý, bảo trì công trình đường bộ thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn.
Ban Quản lý, bảo trì công trình đường bộlà đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Đơn vị được UBND tỉnh phê duyệt tự chủ trên các phương diện sau:
Tự chủ về thực hiện nhiệm vụ:
Tự chủ trong thực hiện kế hoạch: Đơn vị được phê duyệt tự chủ trong kế hoạch hoạt động giai đoạn 2022-2026, gồm các nhiệm vụ: Tiếp tục thực hiện các công trình của năm 2021. Thực hiện kế hoạch công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên tuyến quốc lộ QL279, QL3, QL3B, QL3C trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên 14 tuyến đường tỉnh: ĐT251, ĐT252, ĐT252B, ĐT253, ĐT253B, ĐT254, ĐT254B, ĐT256, ĐT257B, ĐT257C, ĐT258, ĐT258B, ĐT259, ĐT259B tỉnh Bắc Kạn. Thực hiện công tác sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, xử lý các vị trí tiềm ẩn mất an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ: QL279, QL3, QL3B, QL3C trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường thủy nội địa tuyến Sông Năng-Hồ Ba Bể tỉnh Bắc Kạn. Triển khai các công trình trong kế hoạch như: Công trình sửa chữa hư hỏng cục bộ nền, mặt đường các đoạn trên QL279, tỉnh Bắc Kạn; công trình sửa chữa, cải tạo kè taluy âm các đoạn trên QL3C, QL3B, tỉnh Bắc Kạn; công trình sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường và công trình các đoạn trên QL3B, tỉnh Bắc Kạn; công trình sửa chữa, cải tạo các điểm mất an toàn giao thông trên QL279, tỉnh Bắc Kạn; công trình xử lý điểm đen tai nạn giao thông một số đoạn trên QL.3, tỉnh Bắc Kạn; công trình khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông bước 1, bước 2 trên các tuyến đường tỉnh, đường Quốc lộ...
Tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ: Ban Quản lý, bảo trì công trình đường bộ được chủ động quyết định các biện pháp, kế hoạch hoạt động chuyên môn của đơn vị, của cơ quan cấp trên giao theo quy định để đảm bảo về chất lượng và tiến độ thực hiện nhiệm vụ.

Ban Quản lý, bảo trì công trình đường bộ họp triển khai nhiệm vụ
Đơn vị thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý, bảo trì đường bộ quy định tại Điều 48, Điều 49 Luật Giao thông đường bộ và nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư, Ban quản lý dự án theo quy định tại Điều 68, 69 Luật Xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan, cụ thể:
Lập kế hoạch dự án: Lập, trình phê duyệt kế hoạch thực hiện dự án hàng năm, trong đó phải xác định rõ các nguồn lực sử dụng, tiến độ thực hiện, thời hạn hoàn thành, mục tiêu chất lượng và tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện;
Tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng: Thực hiện các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, sử dụng đất đai, tài nguyên, hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ cảnh quan, môi trường, phòng chống cháy nổ có liên quan đến xây dựng công trình; tổ chức lập dự án, trình thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định; tiếp nhận, giải ngân vốn đầu tư theo quy định.
Các nhiệm vụ thực hiện dự án: Thuê tư vấn thực hiện khảo sát, thiết kế xây dựng và trình thẩm định, phê duyệt hoặc tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng (theo phân cấp); tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây dựng; giám sát quá trình thực hiện; giải ngân, thanh toán theo hợp đồng xây dựng và các công việc cần thiết khác.
Các nhiệm vụ kết thúc xây dựng, bàn giao công trình để vận hành, sử dụng: Tổ chức nghiệm thu, bàn giao công trình hoàn thành; vận hành chạy thử; quyết toán, thanh lý hợp đồng xây dựng, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình và bảo hành công trình.
Các nhiệm vụ quản lý tài chính và giải ngân: Tiếp nhận, giải ngân vốn theo tiến độ thực hiện dự án và hợp đồng ký kết với nhà thầu xây dựng; thực hiện chế độ quản lý tài chính, tài sản theo quy định.Thực hiện các nhiệm vụ hành chính, điều phối và trách nhiệm giải trình: Tổ chức văn phòng và quản lý nhân sự của Ban; thực hiện chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý; thiết lập hệ thống thông tin nội bộ và lưu trữ thông tin; cung cấp thông tin và giải trình chính xác, kịp thời về hoạt động của Ban theo yêu cầu của người quyết định đầu tư và của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các nhiệm vụ giám sát, đánh giá và báo cáo: Thực hiện giám sát đánh giá đầu tư theo quy định pháp luật; định kỳ đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện dự án với người quyết định đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Thực hiện công tác tuần kiểm đường bộ theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Trực tiếp tham gia và chỉ đạo nhà thầu bảo trì thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, tham gia khắc phục bão lụt, tai nạn giao thông và các sự cố bất khả kháng khác; phối hợp thực hiện phương án phân luồng giao thông khi cần thiết theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; tổ chức quản lý, bảo quản các kho vật tư dự phòng, khắc phục hậu quả bão lụt và các sự cố bất khả kháng khác.
Tổ chức thực hiện và quản lý các dự án, công trình sửa chữa đường bộ, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa thường xuyên, xử lý điểm đen tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, công trình an toàn giao thông, khắc phục hậu quả lụt bão, đảm bảo an toàn giao thông bước 1, bước 2, đường thủy nội địa và các công trình khác do Sở Giao thông vận tải làm Chủ đầu tư từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án đến khi công trình hết bảo hành theo các quy định hiện hành.
Lập, lưu trữ hồ sơ; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng; hạch toán đối với tài sản hạ tầng đường bộ; các nhiệm vụ khác theo quy định hiện hành và nhiệm vụ do cấp trên giao.
Tự chủ về tổ chức bộ máy:
Tổ chức bộ máy của đơn vị gồm: Giám đốc, 03 Phó Giám đốc và 03 phòng chuyên môn: Phòng Hành chính - Kế toán; Phòng Kế hoạch và Phòng Kỹ thuật và Tuần kiểm. Các Phòng chuyên môn tham mưu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban theo quy định.
Tự chủ về nhân sự:
Số lượng viên chức, hợp đồng lao động của Ban Quản lý, bảo trì công trình đường bộ do Giám đốc Ban quyết định trên cở sở chức năng, nhiệm vụ được giao, theo cơ cấu chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và khả năng tài chính của đơn vị; bảo đảm nguyên tắc số lượng người làm việc phải đạt mức tối thiểu cần thiết cho việc đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tham gia khắc phục bão lụt, tai nạn giao thông và các sự cố bất khả kháng khác.
Dự kiến số lượng người làm việc của đơn vị giai đoạn năm 2022-2026 tối thiểu là 31 người (gồm 27 viên chức và 04 hợp đồng lao động), số lượng người làm việc tối đa là 36 người (gồm 31 viên chức và 05 hợp đồng lao động); đơn vị phân bổ số lượng viên chức/phòng bảo đảm theo quy định.
Việc xác định số lượng người làm việc trên cơ sở đơn vị bảo đảm được việc làm, thu nhập ổn định đối với số lượng người làm việc của đơn vị. Căn cứ các quy định hiện hành, cơ cấu ngạch, số lượng viên chức và chức năng, nhiệm vụ, kế hoạch hoạt động chuyên môn, quỹ tiền lương của đơn vị, Ban Quản lý, bảo trì công trình đường bộ xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức báo cáo Sở Giao thông vận tải gửi Sở Nội vụ thẩm định, trong đó nêu rõ yêu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu viên chức cần thiết cho từng tổ chức, phòng chuyên môn. Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Sở Nội vụ, Giám đốc Ban quyết định việc tổ chức thực hiện theo quy định hiện hành và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và quản lý viên chức, người lao động, thuê hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị thực hiện theo quy định hiện hành. Đối với những công việc không cần bố trí lao động thường xuyên và các hoạt động dịch vụ, hợp tác...,Giám đốc Ban được quyền ký kết hợp đồng thuê, khoán công việc theo số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc tổ chức thực hiện phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời báo cáo Sở Giao thông vận tải, Sở Nội vụ, Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Xác định mức độ tự chủ tài chính:
Căn cứ vào dự toán thu, chi của năm đầu thời kỳ ổn định và nội dung hướng dẫn cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan chuyên môn xác định phân loại Ban Quản lý, bảo trì công trình đường bộ là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên. Số kinh phí đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên là 7.287.839.786 đồng, được trích từ nguồn thu quản lý dự án các công trình, dự án được giao quản lý và các khoản thu hợp pháp khác theo quy định. Khả năng ổn định về tài chính của năm đầu thời kỳ ổn định phân loại giai đoạn 2022-2026 dự tính là 1,45 lần.
Trên cơ sở Phương án tự chủ đã được UBND tỉnh phê duyệt, Giám đốc Ban Quản lý, bảo trì công trình đường bộ chịu trách nhiệm trước Sở Giao thông vận tải, UBND tỉnh và trước pháp luật đối với việc điều hành và kết quả triển khai quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính của đơn vị; bảo đảm chất lượng của các công trình, dự án do đơn vị thực hiện.
Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính cho đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, nhằm tạo điều kiện cho đơn vị được chủ động quyết định hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tự quyết định phương thức hoạt động của đơn vị để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao./.
(Nguồn: Theo Quyết định số 747/QĐ-UBND ngày 09/5/2022 của UBND tỉnh Bắc Kạn).