Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Một số kinh nghiệm cải cách tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức của Trung Quốc

Trung Quốc đã qua 40 năm cải cách, mở cửa; trong đó kiện toàn bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức luôn là nội dung cải cách quan trọng; đặc biệt trong bối cảnh tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng cộng sản Trung Quốc hiện nay. Bài viết giới thiệu về kinh nghiệm cải cách của Trung Quốc qua các giai đoạn và những trọng tâm đột phá có thể tham khảo trong quá trình đổi mới, cải cách hành chính của nước ta giai đoạn hiện nay.


Học viện Hành chính Quốc gia Trung Quốc

1. Khái quát về CHND Trung Hoa và quá trình cải cách hành chính (CCHC) trong 40 năm qua

Trung quốc có lịch sử hơn 5.000 năm; diện tích 9,6 triệu km2; dân số 1,39 tỷ. Gồm 23 tỉnh, 4 thành phố trực thuộc Trung ương, 5 khu tự trị, 2 đặc khu hành chính (Hồng Kông, Ma Cao). Từ 1978 - nay sau 40 năm cải cách, mở cửa đã đạt thành tựu nổi bật: chiếm 15% GDP thế giới. GDP đầu người năm 1978 là 190 USD, cuối 2017 là 9.000 USD. Thu ngân sách năm 2017 đạt 2.600 tỷ USD.

Cơ cấu quản lý theo chiều dọc gồm 5 cấp hành chính: 1) Cấp Trung ương. 2) Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu tự trị; 3. Quận (ở Thành phố trực thuộc Trung ương), thành phố trực thuộc tỉnh, Châu (thuộc Khu tự trị); 4. Huyện, thành phố cấp huyện, Văn phòng làm việc của Quận (Thành phố trực thuộc trung ương) tại các tuyến đường, khu phố. 5) Xã, thị trấn (HĐND ở thôn làng, cộng đồng dân cư không phải là cấp hành chính).

Cơ cấu quản lý theo chiều ngang gồm 4 hệ thống: 1) Hệ thống đảng. 2) Đại hội đại biểu nhân dân (có 5 cấp). 3) Hành chính (Quốc Vụ viện - Chính phủ và các cấp chính quyền). 4. Hội nghị Hiệp thương chính trị. Ngoài Đảng Cộng sản, Trung Quốc còn có 8 đảng phái dân chủ, tham gia đóng góp ý kiến cho Đảng Cộng sản. Hội nghị hiệp thương chính trị được xem như cơ chế tư vấn.

Từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949 đến nay đã có nhiều cuộc cải cách, trong đó tập trung cải cách tổ chức bộ máy, cải cách công vụ, công chức, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Trong lịch sử các cuộc cải cách, chu kỳ cải cách cơ bản là 5 năm 1 lần; trong đó, một số giai đoạn cải cách nổi bật bao gồm:

- 1966 - 1976: Đại Cách mạng văn hóa, ảnh hưởng đến hệ thống Chính phủ, chính quyền, sau đó, số lượng các cơ quan nhiều, biên chế cồng kềnh.

- Giai đoạn 1977 - 1981: kiện toàn lại hệ thống Chính phủ và chính quyền, năm 1978 bắt đầu cải cách kinh tế.

- Cuộc cải cách năm 1982: tập trung tái cơ cấu, tinh gọn bộ máy, giảm số lượng cán bộ công nhân viên, nâng cao chất lượng hoạt động. Các cơ quan thuộc Quốc Vụ viện giảm xuống còn 61 (trước đó là 100), các Bộ giảm từ 52 xuống 43. Cắt giảm 1/3 số lượng cán bộ công nhân viên, tuổi bình quân của cấp Bộ trưởng và Thứ trưởng từ 64 xuống 58 tuổi; quy định tuổi nghỉ hưu cấp Bộ trưởng là 65, Thứ trưởng là 60.

- Cuộc cải cách năm 1988: sau 10 năm cải cách, mở cửa, kinh tế phát triển nhanh, đã chuyển trọng tâm cải cách từ nông thôn sang thành thị, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục tinh gọn bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế. Kết quả đã giảm số cơ quan thuộc Quốc Vụ viện (cấp Bộ) từ 72 xuống 68, các Bộ từ 45 xuống 41; giảm 9.700 người trong các cơ quan thuộc Quốc Vụ viện.

- Cuộc cải cách năm 1993: Đại hội 14 đề ra xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), nhấn mạnh cải cách thể chế hành chính, chuyển đổi chức năng Chính phủ, tinh gọn bộ máy Quốc Vụ viện và tinh giản biên chế. Giảm cơ quan cấp Bộ xuống 59, các Bộ thuộc Quốc Vụ viện xuống 40. Giảm 20% nhân viên thuộc Quốc Vụ viện.

- Cuộc cải cách năm 1998: trước bối cảnh một số vấn đề chưa được giải quyết trong thời gian dài như: quá tập quyền, Chính phủ còn can thiệp sâu vào doanh nghiệp, đã đưa ra 1 số biện pháp như xây dựng hệ thống thể chế, pháp luật hỗ trợ phát triển, tinh giản bộ máy tổ chức và đội ngũ nhân sự với quy mô lớn. Kết quả cho thấy các cơ quan cấp Bộ giảm từ 59 xuống 53; các Bộ thuộc Quốc Vụ viện giảm từ 40 xuống 29. Quốc Vụ viện giảm gần 50% nhân viên, cả nước giảm 1.150.000 người.

- Cuộc cải cách năm 2003: tháng 12 năm 2001, Trung Quốc gia nhập WTO, với yêu cầu phải hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường và đảm bảo phát triển cân đối. Biện pháp giai đoạn này là tập trung xác định rõ chức năng chính của Chính phủ và tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy. Đổi tên Ủy ban Phát triển và Kế hoạch Quốc gia thành Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia, sáp nhập Bộ Nội thương và Bộ Ngoại thương thành Bộ Thương mại. Thành lập Ủy ban Giám sát và quản lý vốn quốc hữu, Ủy ban Giám sát và quản lý ngành ngân hàng, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Quốc gia. Giảm các Bộ thuộc Quốc Vụ viện từ 29 xuống 28.

- Cuộc cải cách năm 2008: tập trung vào xây dựng Chính phủ phục vụ, tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy theo hướng sáp nhập các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Thành lập Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin; Bộ Giao thông; Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội; Bộ Nhà ở và Xây dựng thành thị - nông thôn; Bộ Bảo vệ Môi trường Trung quốc. Sáp nhập Bộ Năng lượng Quốc gia với Ủy ban Phát triển và Cải cách. Sáp nhập Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm vào Bộ Y tế.

- Cuộc cải cách năm 2013: Tập trung chuyển đổi vai trò, chức năng Chính phủ, tinh gọn bộ máy, phân cấp phân quyền. Đã tinh gọn tổ chức bộ máy, còn 25 cơ quan cấp Bộ. Cục Đường sắt thuộc Bộ Đường sắt sáp nhập vào Bộ Giao thông, thành lập Tổng Công ty Đường sắt Trung quốc; thành lập Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình quốc gia, Tổng cục Giám sát và Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Quốc gia, Tổng cục Báo chí - Xuất bản - Phát thanh - Điện ảnh - Truyền hình Nhà nước Trung Quốc. Tái cơ cấu Cục Năng lượng Quốc gia, Cục Hải Dương Quốc gia.

- Sau 40 năm cải cách, mở cửa, Đại hội 19 xác định cần cải cách theo 4 chiến lược: 1) Xây dựng xã hội khá giả toàn diện; 2) Quản lý đất nước theo pháp luật toàn diện; 3) Đi sâu cải cách toàn diện; 4) Quản lý nghiêm minh và toàn diện. Trung ương Đảng đã xác định yêu cầu mới hiện nay là cần giải quyết tình trạng phát triển thiếu cân bằng của kinh tế Trung Quốc. Do vậy, phải thay đổi kết cấu quyền lực cũ, phân công lại quyền lực nhà nước và nâng cao năng lực quản trị quốc gia để thích ứng với yêu cầu mới của kinh tế - xã hội. Cuộc cải cách hiện nay diễn ra với quyết tâm chính trị rất cao trong sự tự tin về chế độ chính trị XHCN đặc sắc Trung Quốc.

2. Về cải cách tổ chức bộ máy        

a) Định hướng chiến lược:

Từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa năm 1949 đến nay đã có nhiều cuộc cải cách hành chính (CCHC), trong đó đều có nội dung cải cách tổ chức bộ máy. Đặc biệt, từ Đại hội 18 đến nay, do thực hiện các chiến lược, mục tiêu mới nên cải cách tổ chức bộ máy là một khâu cải cách quan trọng. Sau Đại hội 19, cải cách tổ chức bộ máy tiếp tục được đẩy mạnh. Phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Đại hội 19 vào tháng 3/2018 đã đề ra những Nghị quyết và phương án đi sâu vào cải cách tổ chức bộ máy của hệ thống Đảng và Nhà nước. Trong tháng 3/2018, đã thông qua một số phương án cải cách tổ chức bộ máy với nhiều nội dung mới, mang tính hệ thống, toàn diện hơn đối với cả bộ máy Đảng, Nhà nước, quân đội (không chỉ bộ máy hành chính nhà nước như trước đây) trên khắp các lĩnh vực, từ Trung ương đến địa phương và phạm vi toàn quốc.

Trung ương Đảng đã xác định yêu cầu mới hiện nay là cần giải quyết tình trạng phát triển thiếu cân bằng của kinh tế Trung Quốc. Do vậy, phải thay đổi kết cấu quyền lực cũ, phân công lại quyền lực nhà nước và nâng cao năng lực quản trị quốc gia để thích ứng với yêu cầu mới của kinh tế - xã hội. Do vậy, cuộc cải cách lần này (đang diễn ra) sẽ rất sâu sắc. Theo yêu cầu Đại hội 19, cần phân công quyền lực khoa học, rõ chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của các bộ, ban, ngành; phải sáp nhập các cơ quan có chức năng tương đồng. Nếu vì nguyên nhân nào đó mà không sáp nhập thì phải sử dụng chung trụ sở.

Mục tiêu của cải cách bao gồm: 1) Xây dựng hệ thống hành chính toàn diện và hoàn chỉnh, phù hợp giữa chức năng và tổ chức trong mỗi bộ máy, mỗi cơ quan; 2) Quy trình khoa học, tiêu chuẩn hóa, quy phạm hóa, phù hợp với yêu cầu thực thi quyền lực; 3) Vận hành với hiệu quả cao, đáp ứng được yêu cầu về kết quả, hiệu quả thực thi quyền lực. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu của cải cách là nhằm hoàn thiện chế độ lãnh đạo toàn diện của Đảng. Đây là sự chuyển biến, thay đổi rất mới kể từ Đại hội 18 đến nay, nhằm giải quyết một số bất cập từ tình trạng tập trung vào hệ thống chính quyền, coi nhẹ vai trò của hệ thống đảng, có nguy cơ xa rời sự lãnh đạo của Đảng. Trung ương Đảng tập trung lãnh đạo cả 3 mối quan hệ:

1) Quan hệ giữa Đảng và xã hội của Trung Quốc: nhấn mạnh vai trò lãnh đạo toàn diện, mọi mặt của Đảng;

2) Quan hệ giữa Đảng với Chính hiệp (Hiệp thương Nhân dân) và bộ máy hành chính nhà nước: Đảng lãnh đạo toàn diện, mọi mặt;

3) Trong nội bộ hệ thống đảng: Trung ương Đảng tập trung lãnh đạo toàn diện, mọi mặt. Chỉ khi Trung ương lãnh đạo mọi mặt trong hệ thống đảng thì Đảng mới lãnh đạo toàn diện, mọi mặt được. Chỉ khi Đảng lãnh đạo bộ máy hành chính và Chính hiệp thì mới có thể lãnh đạo được quan hệ xã hội.

Đặc điểm của cải cách lần này thực hiện toàn diện trên tất cả các mặt: Đảng, Chính (Chính phủ + Chính hiệp), Quân (Quân đội), Dân (và các tổ chức xã hội), Học (Giáo dục: cải cách hiện chưa đề cập đến). Chuyển đổi vai trò, chức năng của Chính phủ và các cấp chính quyền sang định hướng phục vụ; tinh gọn bộ máy tổ chức, phân cấp phân quyền rành mạch; biên chế các cơ quan phải tuân thủ quy định của pháp luật. Đang đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy ở cấp Trung ương; chính quyền cấp tỉnh phải hoàn thành trước tháng 3/2019. Cải cách phải phủ hợp với mục tiêu, yêu cầu mới do Đại hội 19 đề ra; xây dựng được hệ thống, chế độ, cơ cấu vững chắc và ổn định. Cải cách lần này diễn ra với quyết tâm chính trị rất cao trong sự tự tin về chế độ chính trị XHCN đặc sắc Trung Quốc.

b) Một số trọng tâm và kết quả cải cách tổ chức bộ máy hiện nay

Thứ nhất, chuyển đổi chức năng Chính phủ theo định hướng phục vụ; tinh gọn bộ máy; kết hợp giữa tăng cường giám sát, kiểm tra với nới lỏng, tự chủ quản lý, phân cấp phân quyền; tăng cường quyền lực và ràng buộc trách nhiệm. Phương châm cải cách: Nhà nước nhỏ xã hội lớn. Chính quyền sẽ kịp thời xuất hiện, đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp; khi người dân không cần, không thấy chính quyền đâu; đa dạng hóa chủ thể cung ứng dịch vụ công. Trong 5 năm qua, cải cách đã tập trung thực hiện: 1) Tăng cường vai trò của thị trường. Đến năm 2016, trình độ thị trường hóa về giá cả đạt 97,1%, tỷ lệ về chính quyền quản lý giá cả đạt 2,99%, trong đó tỷ lệ Chính phủ Trung ương quản lý giá cả đạt 1,45%. Dự án do Chính phủ Trung ương định giá giảm 80%, dự án do Chính quyền địa phương định giá giảm 50%; 2) Tăng cường chức năng phục vụ (dịch vụ) công. Từ năm 2011 đến cuối 2016, tổng chi ngân sách cho các dịch vụ công như giáo dục, y tế, văn hóa thể thao, truyền thông, an sinh xã hội, an ninh công cộng, nhà ở… tăng từ 53,67% lên 56,95%.

Thứ hai, cải cách chế độ thẩm tra và phê duyệt, với phương châm 3 tối đa: Giảm tối đa thời gian xử lý; hạn chế tối đa phạm vi thẩm tra việc lập hồ sơ (thành lập doanh nghiệp chẳng hạn); giảm tối đa những việc, những hoạt động thẩm tra, kiểm tra của cơ quan đối với doanh nghiệp. Thành lập đơn vị chuyên trách về đơn giản hóa thủ tục hành chính để thống kê, rà soát các danh mục, quy trình thủ tục hành chính của các cơ quan. Những thủ tục nào không cần Trung ương phê duyệt thì phân quyền cho cấp tỉnh. Hầu hết các tỉnh đều có Trung tâm phục vụ công dân (Trung tâm hành chính công), thụ lý theo cơ chế một cửa, có thời hạn hoàn thành và sử dụng hệ thống mạng điện tử giải quyết công việc. Thủ tục nào không cần phê duyệt thì mở cửa cho thị trường (Giảm 618 thủ tục thẩm tra, phê duyệt - 40%; Trung ương xác định 283 thủ tục để địa phương thực hiện). Tổng hợp, gộp các chức năng liên quan đến kiểm tra, giám sát từ nhiều cơ quan vào một. Thúc đẩy cách thức lập Danh mục quyền lực hành chính (công khai các danh mục thủ tục hành chính ra xã hội), ngoài danh mục này không được quy định thêm. Áp dụng phương pháp kiểm tra ngẫu nhiên đối với cả đối tượng kiểm tra và cả người đi kiểm tra. Quá trình và kết quả kiểm tra đều phải công khai, minh bạch cho quần chúng nhân dân. Từ đó, nâng cao hiệu suất hành chính; như quá trình thành lập doanh nghiệp từ 2 tháng xuống còn 2 tuần, thậm chí còn 2 ngày; Nâng bậc xếp hạng kích thích sức sống của thị trường xã hội từ 96 lên 18.

Thứ ba, tập trung cải cách cơ quan Trung ương Đảng cũng như Quốc Vụ viện với phương châm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực. Cuộc cải cách liên quan đến 20 cơ quan Trung ương Đảng; 9 cơ quan không còn hoặc sáp nhập, đổi tên 4 cơ quan, thành lập mới 3 cơ quan. Đối với Quốc Vụ viện: Còn 26 Bộ, giảm 12 cơ quan cấp Bộ, thành lập 16 Cục và Ủy ban (cơ quan thuộc Chính phủ). Thành lập Ủy ban Giám sát nhà nước (Trung ương có Ủy ban Kiểm tra, kỷ luật: khó giám sát đối với cán bộ thực hiện công vụ mà không là đảng viên. Trước đây Quốc Vụ viện có Thanh tra, nay không còn nữa, mà thành lập Ủy ban Giám sát nhà nước thuộc Quốc hội có thể giám sát toàn bộ cán bộ, công chức thực hiện công vụ. Nhân sự ở Thanh tra chuyển sang Ủy ban Giám sát nhà nước). Ủy ban Giám sát nhà nước cùng chung trụ sở với Ủy ban Kiểm tra, kỷ luật Trung ương).

Các nội dung trên cho thấy Trung Quốc tập trung kiện toàn vai trò của Đảng đối với các công tác quan trọng: thành lập một loạt các ủy ban lãnh đạo của Trung ương Đảng, thẩm thấu vào hệ thống Chính phủ (đặt Văn phòng làm việc tại các cơ quan chính phủ). Ví dụ: Ủy ban Quản lý đất nước theo pháp luật của Trung ương (hệ thống đảng) có văn phòng đặt tại Bộ Tư pháp; Ủy ban Thẩm kế Trung ương (thuộc Trung ương Đảng) có Văn phòng đặt tại Sở Thẩm kế (Cơ quan cấp Bộ có vai trò kiểm soát tài chính); Ủy ban Lãnh đạo Giáo dục Trung ương có Văn phòng đặt tại Bộ Giáo dục. Có thể nói đây là bước chuyển về hệ thống lãnh đạo: Việc đặt Văn phòng tại Bộ liên quan tạo thuận lợi cho việc kết nối, liên thông và chỉ đạo công tác kịp thời.

Cải cách được triển khai theo hướng Chính phủ ngày càng giống cơ quan thực thi các nghị quyết quan trọng (các Nghị quyết quan trọng liên quan đến an sinh xã hội đều do Trung ương Đảng quyết định). Các chính sách, quyết sách trong các lĩnh vực quan trọng phải do Đảng nắm. Đồng thời, tăng cường khâu tổ chức thực hiện, các cơ quan có chức năng tương đồng phải sáp nhập để tăng cường năng lực thực thi của hệ thống Chính phủ, chính quyền.

Theo đó, thực hiện sáp nhập hoặc làm việc chung trụ sở. Ví dụ: hợp nhất Trường Đảng với Học viện Hành chính ở các tỉnh: Một cơ quan có 2 hệ thống, 2 mảng chuyên môn, chung một trụ sở. Ở Trung ương, đang trong quá trình sáp nhập giữa Trường Đảng Trung ương và Học viện Hành chính Quốc gia. Thành lập Viện nghiên cứu lịch sử Trung Quốc trên cơ sở sáp nhập 3 cơ quan: Nghiên cứu về lịch sử Đảng Trung ương; Biên dịch (Tư tưởng Mác-Lê Nin); Nghiên cứu về Văn kiện Đảng. Sáp nhập Cục Công chức - cơ quan thuộc Quốc Vụ viện vào Ban Tổ chức Trung ương. Sở Xuất bản thông tin Quốc gia (cơ quan cấp Bộ) sáp nhập với Cục Điện ảnh thành Cục Tuyên truyền Trung ương Trung Quốc. Hiện nay, đang trong quá trình sắp xếp tổ chức, nhân sự bên trong các cơ quan sáp nhập.

Cải cách lần này đi sâu vào cải cách toàn diện trong Quốc Vụ viện. Sáp nhập các cơ quan có chức năng giống nhau và thành lập những cơ quan mới để xử lý các chức năng, nhiệm vụ mới. Ví dụ: Thành lập Bộ Tài nguyên Thiên nhiên từ sáp nhập Bộ Tài nguyên và Đất đai; Cục Hải dương Quốc gia; Cục Thông tin đo đạc, bản đồ. Thành lập Bộ Văn hóa và Du lịch từ sáp nhập Bộ Văn hóa và Tổng cục Du lịch Quốc gia. Thành lập mới 2 Bộ: Bộ về quân nhân xuất ngũ (cựu quân nhân) và Bộ quản lý khẩn cấp. Các hoạt động cải cách phổ biến nhất hiện nay không phải là sáp nhập, giảm biên chế mà điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ các bộ, ban, ngành cho phù hợp; ví dụ: đưa tất cả các chức năng, nhiệm vụ từ các bộ, cơ quan liên quan đến nông nghiệp về Bộ Nông nghiệp. Cải cách lần này tập trung vào vấn đề xây dựng xã hội. Quốc Hội sẽ thành lập 1 Ủy ban xây dựng xã hội. Chính hiệp (Giống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) sẽ thành lập Ủy ban Nông nghiệp và Nông thôn. Cải cách lần này còn tăng cường chức năng quản lý theo pháp luật; kiện toàn Bộ Tư pháp: Trước kia có Văn phòng chế độ pháp luật thuộc Quốc Vụ Viện (Cấp Bộ), nay đưa chức năng và nhân sự về Bộ Tư pháp; Quy phạm hóa công tác lập pháp của Quốc hội: Ủy ban Pháp luật của quốc hội đổi tên thành Ủy ban Hiến pháp và Pháp luật, giúp tăng cường công tác lập pháp.

3. Về nâng cao chất lượng đội ngũ

Mục tiêu cải cách là xây dựng chế độ công chức khoa học hóa, quy chuẩn hóa, dân chủ hóa. Đã và đang nỗ lực khắc phục tình trạng phát triển công chức chỉ theo một kênh duy nhất là thăng tiến theo chức vụ. Theo đó, chia ra 4 loại ngạch công chức gồm: quản lý tổng hợp, chuyên môn nghiệp vụ, thực thi pháp luật hành chính, thẩm phán, kiểm sát viên, với 27 bậc đều có thể phát triển thành lãnh đạo. Công chức không có nguyện vọng thành lãnh đạo có thể lựa chọn con đường phát triển theo chức nghiệp, chuyên môn. Thông qua 27 bậc có thể nâng lương 1 cách hợp lý, chính đáng; đồng thời, nâng cao chất lượng công chức khi trở thành nhà chuyên gia đầu ngành. Đây cũng thể hiện nguyên tắc công bằng trong chế độ chính sách đối với công chức. Mỗi công chức xác định con đường nghề nghiệp riêng để thực hiện hoài bão của mình.

Trung Quốc quy định chế độ tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đào tạo bồi dưỡng, điều động luân chuyển, sa thải, nghỉ hưu, tuyển nhân viên hợp đồng. Luật quy định có 4 mức đánh giá: (1) Ưu tú: 3 năm liên tục, được xem xét thăng chức, nâng lương sớm (khống chế chỉ tiêu 20 - 25%); (2) Hoàn thành; (3) Cơ bản hoàn thành; (4) Không hoàn thành. Công chức được đánh giá trên 5 tiêu chuẩn: Đạo đức; Năng lực; Cần cù; Thành tích; Độ liêm khiết. Chưa có mức điểm đánh giá cho từng tiêu chuẩn. 2 năm trước đã thay đổi phương thức đánh giá, theo đó bên cạnh đánh giá hàng năm còn có đánh giá đầu việc, mỗi tuần công chức báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện. Nếu 2 năm liên tục có kết quả đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ sẽ sa thải; nhưng rất khó thực hiện (Các tiêu chí thực hiện dựa trên cơ sở công chức không đạt chuẩn, vi phạm pháp luật, quy định về phòng chống tham nhũng, vi phạm về liêm chính thì dễ xác định). Đồng thời, Trung Quốc đang nỗ lực đào tạo tinh thần phục vụ công cho công chức, sáng tạo cơ chế khích lệ và đảm bảo cho công chức. Chú trọng 4 khâu tạo động lực: Đánh giá, thăng chức, khen thưởng, phúc lợi và lương thưởng.

Tuyển chọn công chức toàn quốc và cấp tỉnh được thực hiện thông qua thi đối với vị trí bậc thấp (tổ, đội trưởng trở xuống). Chính sách này còn để tạo cơ hội cho một số quân nhân giải ngũ, có nguyện vọng, năng lực, có thể vào công chức. Cán bộ giỏi, tài năng ở doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có thể xét vào vị trí Phó Trưởng phòng trở lên. Sau năm 2012, khi thi tuyển công chức vào cơ quan cấp tỉnh trở lên, chọn những người có 2 năm công tác ở cơ sở trở lên. Từ 2013 - 2015 đã nghiên cứu, áp dụng chế độ xét tuyển công khai công chức, qua đó giúp công chức cấp xã, thị trấn có hoài bão, phấn đấu phát triển thành công chức cấp thành phố. Từ sau năm 2015, chỉ còn 2 phương thức: 1) Thi (các nhân viên trong xã hội có thể tham gia thi nhưng công chức đương chức không được tham gia thi, tránh tình trạng công chức luôn không hài lòng với công việc hiện tại, không chuyên tâm công tác, chỉ làm tròn vai, tập trung để ôn thi vào công chức ở cơ quan, đơn vị cấp cao hơn); 2) xét tuyển công khai: là hình thức điều động mang tính cạnh tranh trong nội bộ đội ngũ công chức. Nếu nhân viên làm việc ưu tú, được đơn vị giới thiệu, có thể được xem xét. Sau năm 2015, nếu các cơ quan trung ương tuyển công chức từ cấp dưới, chủ yếu sử dụng phương thức xét tuyển công khai.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ, cải cách quản lý công vụ gắn với cải cách tổ chức bộ máy nhà nước; thành lập hệ thống Ủy ban giám sát - đây là quyết sách quan trọng, để quyền giám sát trở thành hệ thống độc lập nhằm tăng cường quản lý, giám sát công chức. Ủy ban Giám sát Nhà nước (Do Ủy viên Bộ Chính trị đứng đầu), có hệ thống từ Trung ương xuống địa phương: kiểm tra việc thực thi công vụ của công chức, các nhân viên sự nghiệp (như viên chức của Việt Nam), những người quản lý trong doanh nghiệp quốc hữu và những người thực thi công vụ khác. Ủy ban này gồm các chức năng trước kia chủ yếu từ 3 cơ quan: Bộ Giám sát, Cục chống tham nhũng và hối lộ (Thuộc Viện Kiểm sát), Cơ quan phòng ngừa tham nhũng (thuộc Chính phủ). Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương của Đảng (Do Thường vụ Bộ Chính trị đứng đầu) và Ủy ban Giám sát Nhà nước do Quốc Hội thành lập làm việc chung trụ sở, nhưng chức năng khác nhau. Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương tập trung vào mặt kỷ luật đảng đối với tất cả đảng viên. Ủy ban giám sát tập trung vào mặt pháp luật của công chức lãnh đạo, có thể không là đảng viên (đảng viên vi phạm pháp luật chắc chắn là kỷ luật đảng). Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương lãnh đạo về mặt chính trị đối với Ủy ban Giám sát Nhà nước.

4. Về tinh giản biên chế

Trung Quốc đã có cuộc cải cách năm 1998 có quy mô lớn nhất về tinh giản biên chế với 3 nhiệm vụ: 1) Chuyển đổi chức năng, tách chính quyền với doanh nghiệp; phân cấp phân quyền; làm rõ chức năng nhiệm vụ. 2) Tinh gọn bộ máy, giảm số bộ từ 40 còn 29. 3) Giảm biên chế: cơ quan trung ương 50% (đến năm 2000 giảm 20%), địa phương giảm 20%. Các biện pháp tinh giản gồm: Chuyển công tác nhưng cho giữ chức vụ, cấp bậc; chuyển sang doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp: thường có chế độ lương, đãi ngộ cao hơn, có thể đảm nhiệm vị trí cao trong đơn vị mới; Sau 2 - 3 năm đào tạo định hướng (Nhà nước cấp kinh phí học Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ,…), có thể chuyển sang cơ quan khác hay cơ quan thực thi pháp luật ở cơ sở (trong quá trình đào tạo bồi dưỡng (ĐTBD) vẫn hưởng nguyên lương); Thôi việc, tự tìm việc mới (chi phí do ngân sách nhà nước chi trả).

Nếu không vi phạm thì không sa thải được và khó có thể đánh giá 3 năm không hoàn thành nhiệm vụ để yêu cầu thôi việc; thường thì thương lượng để thôi việc hoặc áp dụng hình thức động viên nghỉ hưu sớm với 2 tiêu chuẩn: theo tuổi (nam 58, nữ 53) hoặc theo thời gian công tác (đủ 20 năm). Người nghỉ sớm được giữ nguyên lương, đến tuổi mới làm thủ tục nghỉ chính thức.

Kết quả tinh giản: Ban đầu có nhiều quan ngại về rủi ro chính trị, kinh tế, xã hội, nhưng cơ bản là ổn định, không phát sinh hệ quả bất ngờ. Quá trình tinh giản cơ bản thành công, mặc dù quy mô lớn, nhưng không có hệ quả lớn (trừ hơn 1.000 trường hợp tự lo việc làm, nhưng sau đó, lại muốn quay lại vị trí cũ vì không thành công khi khởi nghiệp mới, các cơ quan vẫn phải cố gắng bố trí lại: nhân văn). Trên 16.000 công chức Trung ương tinh giản, nghĩa là trên 8.500 chuyển về doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, 1.800 nghỉ hưu sớm, 3.000 tham gia ĐTBD; hơn 1.000 tự đi tìm việc mới (đến năm 2015, ngân sách nhà nước không cấp cho mục này nữa). Đối với địa phương: 500.000 đối tượng tinh giản, điều chuyển, chi phí tăng 20 tỷ nhân dân tệ (ngân sách nhà nước chủ yếu cấp cho 3 năm ĐTBD). Do chi phí quá lớn, sau đó, các cuộc CCHC tiếp theo không đề cập đến tinh giản biên chế nữa. Nguyên nhân thành công: Quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng và các cấp lãnh đạo; Bộ Nguồn nhân lực và Bộ Giáo dục Đào tạo thiết kế các phương án rất chi tiết; nên cả quá trình điều chuyển dự kiến diễn ra trong 3 năm nhưng thực tế chưa đến 2 năm đã hoàn thành. Qua đó, có thể rút ra kinh nghiệm: Tinh giản biên chế và điều chuyển sau khi sáp nhập, tinh gọn bộ máy tổ chức là vấn đề khó trên thế giới. Ít nhân viên tự đi tìm việc mà phải điều chuyển trong hệ thống. Công tác động viên tư tưởng là rất quan trọng, để sắp xếp, điều chuyển nhân viên theo năng lực, sở trường ở lĩnh vực, đơn vị phù hợp. Phải đảm bảo đủ nguồn lực vật chất vì cắt giảm nhân viên phát sinh chi phí (không những không giảm mà còn có thể tăng ngân sách nhà nước). Cách thức tinh giản theo tự nhiên vẫn là tốt nhất, đỡ chi phí cho các biện pháp tinh giản khác. Tỷ lệ nghỉ hưu thường 3 - 5%. Do vậy, cần quản lý tốt chế độ hưu trí, nghỉ hưu sớm và tuyển dụng mới.

5. Về cải cách cơ chế cung cấp dịch vụ công

Quá trình đổi mới, cải cách chú trọng vai trò, chức năng phục vụ công. Ở Trung ương, xây dựng Chính phủ phục vụ, ở địa phương là Chính quyền phục vụ. Hoàn thiện hệ thống phục vụ công theo hướng phát triển bền vững. Từng bước bình đẳng hóa giữa dịch vụ công của thành thị và nông thôn (như Giáo dục trẻ em, Trung tâm dưỡng lão…). Đã và đang thực hiện 2 biện pháp: 1) Đa dạng hóa chủ thể và hình thức cung ứng dịch vụ công. Trước kia, Chính quyền thường là chủ thể, nay các tổ chức xã hội có thể đảm nhiệm, giảm bớt chức năng của Chính quyền trong lĩnh vực này: Chính quyền trả kinh phí để thuê cung ứng dịch vụ công; 2) Hoàn thiện hệ thống phục vụ của Chính quyền: thành lập Trung tâm phục vụ công dân tại mỗi quận và tại cấp đường phố, giải quyết công việc theo cơ chế một cửa. Thời gian tới, tập trung thực hiện một số biện pháp:

Một là, tăng cường ý thức phục vụ của công chức, trong đó khâu ĐTBD rất quan trọng; mỗi công chức phải có ý thức thái độ, trách nhiệm phục vụ cao và chuyên nghiệp; công chức là người phục vụ của nhân dân, cố gắng đáp ứng mọi nhu cầu chính đáng của người dân. Nếu coi Chính phủ và chính quyền như một nhà hàng thì ngoài Đầu bếp tốt, nhân viên phục vụ (công chức) phải có tác phong, ý thức phục vụ tốt - ân cần, chu đáo, tình cảm - thì mới thu hút được khách hàng; các doanh nghiệp mới đầu tư.

Hai là, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), mạng internet trong giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ trực tuyến. Thúc đẩy công trình 3 toàn diện, bao gồm:

- Toàn diện 1: Doanh nghiệp có thể lên mạng hoàn thành tất cả các mục thủ tục tiếp cận thị trường (nộp hồ sơ, tài liệu để thẩm tra qua mạng chẳng hạn);

- Toàn diện 2: Người dân có thể lên mạng để giải quyết những việc liên quan đến cộng đồng, khu dân cư và những công việc liên quan đến cá nhân mình: Ví dụ, nếu muốn cấp lại giấy tờ đã mất, do thông tin đã được các cơ quan chia sẻ trên mạng, không nhất thiết phải đến nơi đăng ký hộ khẩu hay nơi cư trú;

- Toàn diện 3: Chia sẻ thông tin mọi lĩnh vực về chính quyền: Xây dựng Trung tâm dữ liệu lớn; tất cả các cơ quan đều đưa thông tin vào cơ sở dữ liệu chung. Phấn đấu thực hiện được mục tiêu kết nối giữa các cấp chính quyền và với tất cả các cơ quan, doanh nghiệp; có thông tin xuyên lĩnh vực, xuyên tầng nấc, xuyên các cơ quan, ban ngành (liên thông các cấp, các ngành). Đẩy nhanh xây dựng Chính phủ, chính quyền thông minh với 4 tiêu chí: Điều phối tổng thể; Vận hành với năng suất cao; Phục vụ chuẩn xác; Quản lý theo khoa học (vừa quản lý, giám sát chặt chẽ vừa trợ giúp được môi trường kinh doanh).

Để nâng cao năng lực quản trị, phục vụ công dân và xã hội tốt hơn, cải cách lần này tập trung xây dựng xã hội thông tin hóa và Chính phủ điện tử (CPĐT). Chính phủ đang xây dựng một sân chơi cung cấp dịch vụ công: các cơ quan cung cấp dịch vụ trên internet. Mục tiêu: đến năm 2020, tất cả dịch vụ công phải đưa lên mạng hết. Trung Quốc coi Không gian mạng là không gian thứ tư (cùng Đất đai, Bầu trời, Vùng biển); coi trọng áp dụng công nghệ, kỹ thuật, đồng thời chú trọng an ninh mạng. Năm 2015: Hội nghị Trung ương 5 khóa 18 đề ra: Dữ liệu lớn thành chiến lược quốc gia để nắm thông tin phân tích, hoạch định chính sách kịp thời, chính xác, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tư duy xây dựng CPĐT rất rõ: 1) Quy hoạch vĩ mô: làm tốt thiết kế cấp cao: Từ trung ương đến các tỉnh đều có quy hoạch, mỗi bộ, ủy ban đều có quy hoạch, cấp dưới phục tùng cấp trên. 2) Tự chủ về vi mô: Từng cơ quan, địa phương thực hiện chiến lược phát triển, có cách làm cụ thể để phát huy tính chủ động, sáng tạo. 3) Cơ sở hạ tầng: cân nhắc theo thứ tự ưu tiên, phân loại thúc đẩy thành một dây chuyền. 4) Hiệu suất trên hết: Hệ thống phải phát huy tối đa hiệu suất, số lượng, giá thành, tính thuận tiện trong phục vụ. Có Báo cáo về công tác xây dựng CPĐT hàng năm để có biện pháp thúc đẩy các cơ quan, chính quyền. 5) Từng bước sáp nhập trang mạng, phục vụ theo cơ chế một cửa liên thông. Năm 2016: 80 tỉnh, thành phố thí điểm mô hình: 1 mã số (sử dụng 1 mã số CMTND là mã số duy nhất đăng ký vào trang mạng chính quyền) - 1 cửa sổ (thụ lý theo cơ chế 1 cửa để chia sẻ, trao đổi thông tin và giải quyết dịch vụ hành chính) - 1 mạng lưới (làm thủ tục chỉ trên 1 trang mạng). Từ việc ứng dụng CNTT và xây dựng CPĐT, sẽ dẫn đến thay đổi về cơ cấu tổ chức, phương pháp làm việc và cơ chế phối kết hợp công tác trong nội bộ cơ quan nhà nước cũng như trong phong cách, hiệu quả phục vụ công dân.

  

Đoàn nghiên cứu tại Trung tâm phục vụ công dân quận Hải Điện, Bắc Kinh, Trung Quốc

Thay cho lời kết:

Trung quốc đã trải qua 40 năm cải cách, mở cửa, trong đó luôn tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức; qua đó, có thể đúc rút một số bài học kinh nghiệm để đạt những thành quả đáng ghi nhận:

Một là, kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, quan điểm cầm quyền và quản trị quốc gia phù hợp với tình hình phát triển của đất nước, với chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc. Cải cách không chỉ tập trung vào khối Quốc Vụ viện (Hành pháp, hành chính) mà cả hệ thống đảng, đoàn thể với quan điểm tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên mọi lĩnh vực.

Hai là, chiến lược cải cách đúng đắn. Thực hiện mở cửa, hội nhập quốc tế dần dần; thực hiện chính sách cải cách tuần tự, cải cách kinh tế trước, rồi cải cách xã hội, rồi cải cách chính trị; cải cách từ khu vực nông thôn sang thành thị. Trong quá trình cải cách, chọn một số đặc khu để làm trước, rồi áp dụng tại 14 thành phố duyên hải, rồi mở rộng dần ra toàn quốc. Cải cách từng bước tổ chức bộ máy trong khung khổ cải cách chung và gắn kết nhịp nhàng giữa các cuộc cải cách trong từng lĩnh vực.

Ba là, Trung ương tập trung quản lý vĩ mô, phát huy tự chủ, sáng tạo cho cấp vi mô; tăng cường giám sát (đối với những lĩnh vực cần thiết, những nơi yếu kém, chất lượng thấp), đồng thời nới lỏng quản lý (những doanh nghiệp, dự án năng suất, hiệu quả, trung thực,…). Kết hợp giữa cách thức cải cách từ trên xuống và từ dưới lên (thiết kế, hoạch định ở cấp cao; tổ chức thực hiện, tìm ra sáng kiến cải cách ở cấp dưới). Kiên trì xuất phát từ tình hình của đất nước, đồng thời chú trọng nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế trong cải cách.

Phạm Đức Toàn

Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ

--------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nội dung, tài liệu của Đoàn cán bộ lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh đi nghiên cứu về cải cách hành chính tại Trung Quốc từ ngày 27/4 - 06/5/2018.

2. Feng Jun, et al (2016): China’s New Strategies for Governing the Country. Understanding Modern China Series. People’s Publishing House. ACA Publishing Ltd.

3. Jiang Haishan, Jiang Junjie, Yu Hongsheng, et al (2016): An Insider’s Guide to the Inner Workings and Structure of the Chinese Government and Public Services. Understanding Modern China Series. People’s Publishing House. ACA Publishing Ltd.

Tác giả: 
Nguồn:  moha.gov.vn