Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Một số giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng, cụ thể hoá các tiêu chí đánh giá xếp loại chất lượng công chức đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính hiện nay

Trong công tác quản lý, sử dụng công chức, đánh giá, xếp loại công chức là một trong những nội dung quan trọng. Việc đánh giá chính xác chất lượng của từng công chức sẽ tạo điều kiện thực hiện tốt công tác nhân sự như khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng… Vì vậy, việc xây dựng và cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng công chức là hết sức cần thiết.

Luật Cán bộ công chức năm 2008 đã quy định về nội dung đánh giá chất lượng công chức gồm các nội dung: (1) Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. (2) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc. (3) Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. (4) Tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ. (5) Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ. (6) Thái độ phục vụ nhân dân. Ngoài những nội dung trên, công chức lãnh đạo, quản lý còn được đánh giá theo các nội dung: Kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý; năng lực lãnh đạo, quản lý; năng lực tập hợp, đoàn kết công chức. Theo đó, việc đánh giá xếp loại chất lượng công chức được thực hiện dựa trên các tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên, thực tế triển khai thực hiện bộc lộ một số hạn chế nhất định như tiêu chí đánh giá còn chung chung, chưa lượng hoá, khó đo lường…

Những hạn chế nêu trên đã được khắc phục tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đã quy định chi tiết các tiêu chí về “chất lượng công chức”, trong đó nổi bật là việc bỏ các tiêu chí liên quan đến sáng kiến, giải pháp, công trình khoa học,… khi đánh giá xếp loại chất lượng CBCCVC ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các tiêu chí chung về đánh giá xếp loại công chức gồm chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sông, tác phong, lề lối làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật, kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Việc quy định cụ thể hoá các tiêu chí đánh giá chất lượng CBCCVC ở từng mức xếp loại chất lượng tại Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã giúp cho việc tổ chức thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng công chức có hiệu quả hơn.

Để nâng cao chất lượng công chức đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính hiện nay, một số giải pháp xây dựng và cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá xếp loại chất lượng công chức như sau:

Thứ nhất, cụ thể hoá nội dung đánh giá xếp loại chất lượng công chức trong quy chế đánh giá công chức theo vị trí việc làm và căn cứ vào bản mô tả công việc của vị trí việc làm. Tiêu chí chất lượng công chức sẽ được mô tả, lượng hoá theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Điều này giúp cho cơ quan thuận lợi hơn trong việc trả lương, đào tạo, tuyển dụng theo vị trí việc làm.

Thứ hai, nghiên cứu xây dựng tiêu chí nhằm cụ thể hoá các quy định tại Luật và các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với đặc thù ngành, lĩnh vực, vị trí việc làm. Có thể cụ thể hoá các tiêu chí như: (1) Tiêu chí về thái độ: Nhiệt tình, trung thực, tôn trọng, giờ giấc làm việc, phối hợp, hợp tác, tuân thủ nội quy,quy chế làm việc … (2) Tiêu chí năng lực: Hiệu suất làm việc, thời gian hoàn thành, mức độ hoàn thành công việc, số lượng công việc hoàn thành, mức độ hiểu biết về công việc được giao, khả năng tiếp thu công việc, hiểu rõ các nghiệp vụ của công việc, kiến thức chuyên môn phù hợp với công việc…

Thứ ba, lượng hoá các tiêu chí được quy định tại Nghị định số 90/2020/NĐ-CP theo hình thức bình công theo tháng, theo quý, theo năm đối với công chức.

         Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá xếp loại chất lượng công chức. Các cơ quan, tổ chức chuẩn hóa các vị trí việc làm; chuẩn hóa các tiêu thức đánh giá chất lượng, cập nhật; chuẩn hóa các thông tin liên quan của từng công chức từ khi vào cơ quan và trong suốt quá trình công tác, dễ dàng cập nhật, theo dõi các tiêu chí đánh giá…

Từ thực tế công tác quản lý, sử dụng công chức trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cho thấy, công tác đánh giá xếp loại chất lượng công chức đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền, địa phương quan tâm thực hiện. Kết quả đánh giá xếp loại chất lượng công chức là cơ sở để thủ trưởng các cơ quan đơn vị bố trí, sử dụng công chức phù hợp với vị trí việc làm và góp phần thực hiện tốt chính sách tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của tỉnh. Trong thời gian tới, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các tiêu chí trong đánh giá, xếp loại chất lượng công chức cần được quan tâm thực hiện tốt hơn nữa nhằm từng bước chuẩn hoá đội ngũ công chức của tỉnh quyết định đến chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ.

Tác giả:  Nguyễn Thảo
Nguồn: