Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) được Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt, coi đây là một trong những nội dung quan trọng trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của CCHC, trong 10 năm qua tỉnh Bắc Kạn luôn chú trọng đến công tác CCHC, Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2015 -2020 đã xác định CCHC là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tích cực chỉ đạo thực hiện CCHC đồng bộ trên 6 lĩnh vực từ cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính và đạt được một số kết quả nhất định.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác CCHC giai đoạn 2011-2020 tỉnh Bắc Kạn
Về cải cách thể chế: Các sở, ngành đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành 404 văn bản quy phạm pháp luật, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 164 văn bản; HĐND và UBND các huyện, thành phố ban hành 248 văn bản; HĐND và UBND các xã, phường, thị trấn ban hành 856 văn bản quy phạm. Văn bản QPPL ban hành cơ bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, nội dung, bố cục rõ ràng, chặt chẽ phù hợp với từng giai đoạn có hiệu lực của Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND năm 2004 và Luật năm 2015 và có tính khả thi cao, phù hợp với địa phương, nhiều cơ chế, chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC): TTHC tại văn bản QPPL của tỉnh được kiểm soát chặt chẽ trước khi ban hành và thường xuyên rà soát, đơn giản hóa, trong 10 năm qua tỉnh thực hiện rà soát 3.076 TTHC, qua rà soát kiến nghị đơn giản hóa 329 TTHC, nội dung đơn giản hóa chủ yếu là giảm số lượng, thành phần hồ sơ; mức phí, lệ phí; thời hạn giải quyết;.... Việc thống kê, công bố TTHC thực hiện kịp thời theo quy định, từ năm 2011 đến tháng 3/2020 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành 206 Quyết định công bố danh mục TTHC với tổng số 3.330 thủ tục được công bố, bao gồm TTHC ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế và bãi bỏ.
Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông duy trì thực hiện tại các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã và được quan tâm đầu tư nâng cấp, tại cấp tỉnh từ tháng 8/2019 UBND tỉnh thành lập và đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh vào hoạt động để giải quyết TTHC của các sở, ngành đối với người dân, doanh nghiệp. Qua thực hiện, bước đầu đã tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện TTHC tại các cơ quan nhà nước; đối với cấp huyện từ năm 2017, 8/8 đơn vị đã triển khai Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp; tại cấp xã, các đơn vị duy trì tương đối tốt hoạt động của Bộ phận một cửa trong giải quyết TTHC.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Kạn
Hệ thống "Một cửa điện tử" và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao được triển khai thực hiện tại 132 cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Hệ thống được kết nối đến Cổng dịch vụ công Quốc gia theo quy định của Chính phủ, đáp ứng các chức năng cơ bản về việc cung cấp thông tin, danh mục TTHC, Dịch vụ công trực tuyến, tra cứu hồ sơ, tổng hợp thống kê số hồ sơ TTHC phát sinh. Hiện nay, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực truyến mức độ 3 ở cấp tỉnh đạt 77%, ở cấp huyện đạt 81%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực truyến mức độ 4 ở cấp tỉnh đạt 24%, ở cấp huyện đạt 9%. Có 15 sở, ngành thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh; 100% TTHC giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công được tiếp nhận, xử lý qua hệ thống Một cửa điện tử. Với số lượng TTHC trực tuyến, năm 2018, hệ thống đã tiếp nhận 6.391 hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 1.254 hồ sơ trực tuyến mức độ 4; năm 2019 tiếp nhận 9.309 hồ sơ mức độ 3, 12.648 hồ sơ mức độ 4 (số hồ sơ mức độ 3, 4 là 21.957, tăng 11.596 hồ sơ so với năm 2018).
Triển khai thực hiện tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua dịch vụ Bưu chính công ích. Tỉnh có 49 điểm phục vụ bưu chính tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI. Năm 2017 số lượt chuyển phát hồ sơ TTHC đạt 20.969 lượt hồ sơ, trong đó có 6.992 lượt hồ sơ được tiếp nhận và 13.977 lượt hồ sơ trả kết quả; năm 2018 thực hiện chuyển phát 27.968 lượt hồ sơ TTHC, trong đó có 7.439 lượt hồ sơ được tiếp nhận và 20.529 lượt hồ sơ được trả trả kết quả; năm 2019, chuyển phát 36.862 lượt hồ sơ, trong đó có 16.941 lượt hồ sơ được tiếp nhận và 19.741 lượt hồ sơ được trả kết quả.
Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao và dịch vụ BCCI trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC đã công khai minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Hồ sơ TTHC tiếp nhận trong những năm gần đây được giải quyết cơ bản đúng quy định về quy trình và thời gian, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99%; một số ít số hồ sơ TTHC giải quyết quá hạn chủ yếu là lĩnh vực đất đai, do đây là lĩnh vực phức tạp, TTHC còn rườm rà, thường xuyên thay đổi nên khó khăn cho công chức, viên chức cũng như người dân, doanh nghiệp khi thực hiện.
Về cải cách tổ chức bộ máy: Thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU ngày 10/5/2017 của Tỉnh ủy về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ trong hệ thống chính trị giai đoạn 2016-2021, cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong thuộc sở so với đầu giai đoạn giảm 199 phòng chuyên môn, cấp huyện giảm 16 phòng chuyên môn thuộc UBND các huyện, thành phố, cấp xã giảm 14 đơn vị (từ 122 đơn vị xuống còn 108 đơn vị), đơn vị sự nghiệp công lập giảm 70 đơn vị. Năm 2019, tỉnh thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng UBND tỉnh Bắc Kạn theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 14/10/2018 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.
Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: Vị trí việc làm các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thường xuyên được rà soát sắp xếp theo quy định, hiên nay tỷ lệ cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh bố trí công chức đúng vị trí việc làm đạt 95%, viên chức đạt 90%. Công tác tuyển dụng công chức được đổi mới hình thức thi tuyển, năm 2018 và năm 2019 tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển công chức đối với 02 bài thi trắc nghiệm trên máy tính, đây là điểm mới trong công tác tuyển dung công chức của tỉnh. Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển dụng đã đảm bảo được sự khách quan, minh bạch tạo điều kiện cho những người tài có năng lực thực sự vào làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh. Phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức thi nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức hành chính từ ngạch chuyên viên lên ngạch chuyên viên chính tại tỉnh Bắc Kạn, theo nguyên tắc cạnh tranh với tổng số 90 chỉ tiêu, kết quả đạt 77/90 chỉ tiêu; tổ chức thi thăng hạng viên chức giáo dục từ hạng III lên hạng II cho 505 viên chức, kết quả đạt 265/505 người. Tổ chức 04 đợt thi nâng ngạch công chức từ ngạch nhân viên, cán sự và tương đương lên ngạch chuyên viên và tương đương theo nguyên tắc cạnh tranh với tổng số 238 chỉ tiêu, kết quả đạt 190/238 chỉ tiêu.
Về cải cách tài chính công: Hiện nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được giao thực hiện chế độ tự chủ về kinh phí theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 01/10/2013 của Chính phủ. Đối với cấp xã, thực hiện tự chủ từ năm 2019 theo Nghị quyết số 22/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh ngày 11/12/2018 về quy định phương thức xác định kinh phí giao để thực hiện chế độ tự chủ đối với xã, phường, thị trấn và mức khoán quỹ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, ở thôn, tổ dân phố, tổ nhân dân, tiểu khu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, từ năm 2011 đến tháng 4/2015 thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ trong thực hiện các nhiệm vụ CCHC, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 theo quy định tại Nghị định này việc thực hiện cơ chế tự chủ gắn với thực hiện xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Số đơn vị được giao quyền tự chủ về tài chính được tăng lên đáng kể so với giai đoạn trước và mức độ thực hiện cũng hiệu quả hơn. Hiện nay, có 411/412 đơn vị được giao tự chủ, còn 01 đơn vị thành lập cuối năm 2019 chưa được giao tự chủ là Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp.

Trung tâm y tế thành phố Bắc Kạn đầu tư dịch vụ y tế theo hình thức công - tư
Theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đối với nhóm trẻ dưới 36 tháng tuổi, hiện nay tỉnh có 44 nhóm trẻ và 01 trường mần non tư thục. Hệ thống y tế cơ sở ngoài công lập có bước phát triển lớn, năm 2012 là 187 cơ sở, đến nay đã có 401 cơ sở, trong đó cơ sở hành nghề y tư nhân: 145 cơ sở và cơ sở hành nghề dược tư nhân là 256 cơ sở; thực hiện xã hội hóa lĩnh vực y tế dự phòng đối với cơ sở điều trị Methadone, các dịch vụ tiêm chủng tự nguyện.... Đầu tư theo hình thức công - tư cho phát triển dịch vụ giáo dục, y tế cũng được quan tâm, đối với dịch vụ công giáo dục, huy động đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học của các trường công lập được 267 phòng học, 24 phòng học bộ môn, 10 công trình nhà hiệu bộ, 15 công trình nhà ở nội trú, 13 công trình nhà ăn, 51 công trình nhà bếp, 109 công trình nhà vệ sinh, 43 công trình nhà để xe và 113 công trình sân chơi, bãi tập; dịch vụ công y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm y tế thành phố và Trung tâm y tế huyện Na Rì thực hiện đầu tư dịch vụ y tế theo hình thức liên doanh, liên kết trong đó phía đối tác đầu tư trang thiết bị, bệnh viện cung ứng dịch vụ và phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp với tổng số 13 trang thiết bị y tế, trong đó trang thiết bị xét nghiệm 07 (chiếm tỷ lệ 53,8%), trang thiết bị thăm dò chức năng 02 (chiếm tỷ lệ 15,4 %), trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh 03 (chiếm tỷ lệ 23,1 %) và trang thiết bị khác 01 (chiếm tỷ lệ 7,7 %).
Về hiện đại hóa hành chính: Ở giai đoạn này, nhất là giai đoạn từ năm 2015 đến nay, hệ thông công nghệ thông tin của tỉnh có bước phát triển mạnh. 100% các cơ quan, đơn vị có kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và kết nối Internet. Chứng thư số chuyên dùng được cấp cho 3.229 cơ quan, đơn vị. Thực hiện tích hợp chức năng ký số và xác thực điện tử trên 3 hệ thống dùng chung của tỉnh là Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; Hệ thống công báo điện tử; Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh, nhằm đảm bảo cho người dùng thực hiện được thao tác ký, xác thực chữ ký điện tử một cách thuận tiện. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư nâng cấp, mở rộng và được kết nối mạng WAN-VPN tới 28 đơn vị cấp sở, huyện trên địa bàn tỉnh; cài đặt, quản trị các phần mềm dùng chung của tỉnh và lưu trữ dữ liệu các phần mềm dùng chung và một số hệ thống thông tin chuyên ngành do 07 đơn vị cấp tỉnh triển khai. Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai tại 09 điểm cầu là UBND tỉnh và 8 huyện/thành phố.Các phần mềm dùng chung của tỉnh được đầu tư nâng cấp và hoạt động có hiệu quả, hiện tỉnh có 05 hệ thống phần mềm dùng chung là Phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc; Hệ thống Thư điện tử công vụ của tỉnh; Hệ thống phần mềm "Một cửa điện tử", "Một cửa điện tử liên thông" và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; các trang, cổng thông tin điện tử và chuyên ngành; Hệ thống quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo Hợp đồng 68.Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh, được triển khai chung cả tỉnh, cho đến nay, hệ thống đã cấp gần 7000 tài khoản, trong đó có 4.607 tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức và tài khoản tổ chức thuộc các cơ quan đơn vị trong tỉnh. Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO được triển khai nhân rộng đến cấp xã.
Có được những kết quả trên là sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được là tích cực nhưng chưa thực sự có tính đột phá, chưa tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội của tỉnh. Để công tác CCHC của tỉnh thực sự là một trong những yếu tố góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, trong giai đoạn tới cần tiếp tục có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng và sự nỗ lực của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cũng cần sự chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp và người dân trong thực hiện CCHC của tỉnh. Vậy, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác CCHC và gắn việc thực hiện CCHC với kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của từng công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của CCHC với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả, thiết thực phù hợp với từng đối tượng cụ thể./.