Tại phiên họp, các đại biểu tham dự đã được nghe báo cáo kết quả đối với 03 công tác nêu trên, cụ thể: Trong công tác chuyển đổi số các đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ chủ đầu tư đã tổ chức thực hiện các bước để triển khai 42 nhiệm vụ, dự án chuyển đổi số. Trong đó, 04 nhiệm vụ/dự án đã ký hợp đồng từ những năm trước, hiện đang duy trì hoạt động ổn định, 01 nhiệm vụ đã thanh toán xong kinh phí được giao năm 2023; 05 nhiệm vụ đang thực hiện hợp đồng; 01 nhiệm vụ dừng thực hiện; 05 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện; 03 nhiệm vụ đang đề xuất bổ sung kinh phí; 02 nhiệm vụ đang thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu; 07 nhiệm vụ đã lập xong hồ sơ, hiện đang trình cơ quan chuyên môn thẩm định; 14 nhiệm vụ đang trong bước lập hồ sơ. Riêng nhiệm vụ mua sắm máy tính, máy scan cho bộ phận “một cửa” cấp xã có 99/108 xã/phường/thị trấn đã lắp đặt xong thiết bị. Tính đến ngày 20/8/2023, kinh phí đã giải ngân trên 1,1 tỷ đồng, đạt 1,7% tổng kinh phí cấp năm 2023. Hầu hết các nhiệm vụ/dự án kinh phí lớn trong danh mục nhiệm vụ/dự án được phê duyệt chưa giải ngân do các đơn vị được giao chủ trì đang thực hiện các bước lập hồ sơ dự án.
Kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số các cơ quan nhà nước tỉnh Bắc Kạn năm 2022 cơ bản mới đạt ở mức độ hình thành: Ở cấp Sở, có 06/22 đơn vị xếp hạng mức độ Nâng cao; 14/22 đơn vị xếp hạng mức độ Hình thành; còn có 02/22 đơn vị mới đang ở mức độ Khởi động. Tại cấp huyện có 04/08 đơn vị đạt mức xếp hạng Hình thành; 04/08 đơn vị xếp hạng ở mức Khởi động. Ở cấp xã, có 57/108 đơn vị xếp hạng mức độ Hình thành, còn lại các đơn vị mới chỉ ở mức Khởi động. Như vậy, 73% đơn vị cấp sở, 50% đơn vị cấp huyện, 66% đơn vị cấp xã không đạt 50% tổng điểm. Kết quả công bố điểm số, tiến độ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo thời gian thực trên môi trường điện tử tháng 8/2023, tổng số điểm tỉnh Bắc Kạn đạt 46,76/100 điểm, xếp hạng 48/63 tỉnh, thành phố.
Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử: Cấp tỉnh có 11 đơn vị xếp loại trung bình, 07 đơn vị xếp loại yếu; cấp huyện có 01 địa phương xếp loại trung bình, 07 địa phương xếp loại yếu.
Đối với công tác cải cách hành chính, Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 của tỉnh gồm 40 mục tiêu với 66 nhiệm vụ. Hiện có 04 nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt 6,1%; 62 nhiệm vụ đang tiếp tục triển khai thực hiện. Kế hoạch duy trì và khắc phục chỉ số CCHC của tỉnh có 18/67 tiêu chí, tiêu chí thành phần đạt điểm tối đa.
Đối với Đề án 06/CP của Chính phủ, đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành 13/26 nhiệm vụ; 06 nhiệm vụ đang thực hiện; 07 nhiệm vụ thực hiện thường xuyên. Hiện tại, toàn tỉnh có 1.168 DVCTT, trong đó có 994 DVCTT toàn trình, 174 DVCTT một phần; hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu; thu nhận 296.347 hồ sơ cấp CCCD, trả cho công dân sử dụng 277.396/277.895 thẻ CCCD; thu nhận 115.300 hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử (mức 2); đã kích hoạt 149.474 tài khoản định danh điện tử…
Qua phân tích, đánh giá tại phiên họp giao ban, đại diện các sở, ban, ngành và các địa phương đã tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến xây dựng các mục tiêu và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Phạm Duy Hưng-Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ ra nhưng tồn tại hạn chế trong các nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số cũng như các nội dung cần chú trọng trong thời gian tới. Đối với Đề án 06 yêu cầu các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06/CP, các sở ngành có dự án chuyển đổi số đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, đặc biệt là thực hiện tốt các mô hình đã đăng ký.
Yêu cầu các đơn vị sở, ngành, địa phương nêu cao trách nhiệm hơn nữa, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ trong công tác cải cách hành chính, đề nghị các sở, ngành, địa phương rà soát các tiêu chí chấm điểm để xem xét, đánh giá; đơn giản hóa thủ tục hành chính, rà soát, tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đẩy nhanh tiến độ giải ngân; bố trí cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ.
Đối với lĩnh vực chuyển đổi số, đề nghị các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; đầu tư trang thiết bị, máy móc nâng cấp đường truyền; yêu cầu bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp thực hiện không nhận hồ sơ giấy đối với các thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện mô hình thí điểm chuyển đổi số tại 08 xã, phường, thị trấn./.