Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030

Để đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, ngày 02/9/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện:

Thứ nhất là, tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh CCHC, xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển; lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. CCHC phải xuất phát từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của đất nước, những vấn đề thực tiễn chứng minh đã chín, đã rõ, được đa số đồng thuận, thực hiện có hiệu quả thì tiếp tục triển khai. Những vấn đề mới, chưa có quy định hoặc quy định đã vượt qua thực tiễn thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. CCHC là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, do vậy cần tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng và sự đồng thuận, thống nhất của người dân, tổ chức và xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC. Cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa và các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, kết quả thực hiện Chương trình tổng thể đến cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Thứ hai là, tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi, đánh giá Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đo lường, xác định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, Chỉ số hài lòng của người dân đối với chất lượng dịch vụ giáo dục, y tế công lập phù hợp với Chương trình tổng thể và với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đánh giá toàn diện, khách quan, công bằng, kịp thời, phản ánh đầy đủ, đa chiều kết quả triển khai CCHC tại các bộ, ngành, địa phương.

Hội nghị triển khai đề án Chỉ số CCHC các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Thứ ba là, tăng cường vai trò, trách nhiệm, năng lực của cơ quan thường trực cải cách hành chính của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chủ trì triển khai các nội dung CCHC trong Chương trình tổng thể.

Thứ tư là, tập trung triển khai có hiệu quả và hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt trong thời gian qua, đó là:

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Hoàn thiện thể chế về kinh doanh và cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, giảm thiểu chi phí giao dịch phi chính thức, tăng cường công khai, minh bạch, tăng cường phòng, chống tham nhũng. Đẩy mạnh và hoàn thiện thể chế, cơ chế phân cấp, phân quyền nhằm phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương nhằm bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, nhất là người đứng đầu.

- Triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) một cách quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn; trong đó, tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và các quy định TTHC rườm rà, phức tạp, không cần thiết, trọng tâm là các TTHC đang gây trở ngại, kìm hãm hoạt động sản xuất, kinh doanh và các TTHC khác liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Khẩn trương hoàn thành rà soát, thống kê, đánh giá và đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số để chuẩn hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ; tích hợp các mẫu đơn, tờ khai và các giấy tờ có nội dung thông tin trùng lặp; cung cấp các tiện ích thông minh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi giải quyết hồ sơ TTHC. Đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cho cấp đó giải quyết, đảm bảo nguyên tắc quản lý ngành, lãnh thổ, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho nhân dân.

- Tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương; giảm tỷ lệ trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ; nghiêm túc thực hiện việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn. Thường xuyên theo dõi, chấn chỉnh tác phong, lề lối và thái độ làm việc của công chức tại Bộ phận một cửa các cấp; xây dựng hình ảnh đội ngũ công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, thân thiện và tận tình phục vụ nhân dân.

- Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm; kịp thời sơ kết, tổng kết và mở rộng dần những mô hình phù hợp, hiệu quả.

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn về xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo quy định của Chính phủ. Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý; bảo đảm cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt công chức, viên chức. Tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.

- Ưu tiên nguồn lực, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo lộ trình, trong đó tập trung hoàn thiện khung pháp lý và các cơ sở dữ liệu quốc gia, các nền tảng ứng dụng nhằm đổi mới mạnh mẽ phương thức chỉ đạo điều hành, quản lý từ thủ công truyền thống chuyển sang điện tử và dựa trên dữ liệu số, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và chất lượng cung ứng dịch vụ công cho người dân, tổ chức trên môi trường số.

- Triển khai, hoàn thành những nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng còn lại của năm 2021 và các năm tiếp theo.

Chỉ thị giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Chương trình tổng thể và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả, tiến độ thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính được giao./.

Thông tin chi tiết xem tại tệp đính kèm: Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

(Nguồn: theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

Tác giả:  Lý Thuấn
Nguồn: 

Tin bài mới:


Chính phủ ban hành Nghị định mới về vị trí việc làm và biên chế công chức(05/06/2020)

Quy định nguồn kinh phí, lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế(05/08/2019)

Chính phủ ban hành Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.(20/06/2018)

Chính phủ ban hành Nghị định số 152/2017/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp(20/06/2018)

Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2018/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang(20/06/2018)

Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2018/NĐ-CP quy định về chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước(20/06/2018)

Chính phủ ban hành Nghị định số 50/2018/NĐ-CP quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ(20/06/2018)

Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập(20/06/2018)

Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng(20/06/2018)

Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (20/06/2018)